Macau sau 10 năm về Trung Quốc

Nguyenduong Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Macau, một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, cũng là thành phố sòng bài lớn nhất thế giới, đánh dấu 10 năm trở về với Trung Hoa.
Macau sau 10 năm về Trung Quốc
Khách đánh bạc tại sòng Venetian ở Macau, ngành công nghiệp casino hàng năm đem lại hàng tỷ USD cho thành phố. (Ảnh: Dailymail)

Lễ kỷ niệm 10 năm Macau trở về với Trung Quốc bắt đầu 8h sáng hôm qua với lễ thượng cờ tại quảng trường Bông Sen Vàng. Buổi lễ có sự góp mặt của 1.400 quan chức từ Trung Quốc lục địa, Hong Kong, Macau, cùng nhiều người nổi tiếng.

Lễ kỷ niệm năm nay cũng đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ 10 năm của Trưởng đặc khu Edmund Ho (Hà Hậu Hoa) và lễ chuyển giao quyền lực cho Fernando Chui (Thôi Thế An).

Macau được chuyển giao từ quyền quản lý của Bồ Đào Nha sang Trung Quốc ngày 20/12/1999, và sẽ được hưởng quy chế "một nước hai chế độ" trong vòng ít nhất 50 năm kể từ ngày chuyển giao. Sau một thập kỷ, đặc khu hành chính này đang đón nhận những thay đổi to lớn, và cả một chút lo ngại về tương lai, phóng viên AP nhận xét.

Phát biểu sau lễ nhậm chức của ông Chui, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào tuyên bố chính sách "một đất nước, hai chế độ" của Trung Quốc đã thành công ở Macau, kêu gọi người dân Macau tiếp tục con đường đúng đắn, ủng hộ chính quyền mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, củng cố ổn định và hài hòa xã hội.

Ông Hồ cũng cho hay chính phủ trung ương muốn Macau giảm bớt sự phụ thuộc vào kinh doanh sòng bài và sẽ giúp đặc khu hành chính này phát triển vai trò kinh tế thuộc khu vực châu thổ sông Chu.

Nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Đông, một trong những khu vực phát triển kinh tế nhanh nhất Trung Quốc, Macau nổi tiếng về vị trí địa lý thuận lợi, nền kinh tế mở, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống thuế minh bạch và chi phí kinh doanh tương đối thấp.

Từ năm 1999 đến 2008, kinh tế Macau duy trì mức tăng trưởng hai con số và mức tăng GDP hàng năm trung bình là 14% từ 2000 đến 2008. GDP đầu người cũng tăng lên mức hơn 39.000 USD. Theo báo cáo của WTO năm 2007, kinh tế Macau vẫn là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.

Tuy nhiên, những lo ngại xung quanh tương lai của Macau cũng không phải không có.

"Chúng tôi dựa quá nhiều vào ngành công nghiệp đánh bạc. Người Macau không thể tìm các công việc khác không liên quan đến ngành này. Chính phủ cần có kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế", Straits Times dẫn lời Jose Pereira Coutinho, một nhà lập pháp, phát biểu.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy hơn 40.000 trong số 540.000 cư dân Macau phục vụ trong ngành này. Công nghiệp đánh bạc và du lịch đang chiếm tới 55% GDP của Macau.

Sự bùng nổ cờ bạc cũng được các nhà quan sát gắn với việc tạo ra một số lượng của cải, dẫn đến tham nhũng, tội phạm và nạn rửa tiền.

Chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cũng đã nhận thấy những vấn đề trong nền kinh tế Macau. "Cần phải giải quyết những mâu thuẫn và vấn đề ẩn sâu bên trong đang có ảnh hưởng xấu đến sự phát triểu kinh tế và xã hội của Macau", Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc nói trong bài phát biểu đầu tháng này.

Từ năm 2002, chính quyền Edmund Ho đã cho mở cửa ngành công nghiệp đánh bạc, đón cả những tay chơi Las Vegas, chấm dứt sự thống trị lâu dài của ông trùm Stanley Ho. Sự thay đổi này đã gần như làm tăng ngay gấp ba GDP đầu người lên mức 36.375 USD.

Macau năm 2006 đã vượt Las Vegas để trở thành thành phố đánh bạc lớn nhất thế giới. Hiện nay Macau sở hữu ít nhất là 32 casino với 4.500 bàn đánh bạc, doanh thu mỗi năm là 14 tỷ USD, so với mức của Las Vegas là 12,5 tỷ USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật