Quà Tết

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi nợ con tôi một món quà Tết và một câu trả lời, hai việc liên quan với nhau. Quà Tết, tôi sẽ kể sau. Câu trả lời, xin kể trước. Con tôi hỏi ý kiến của tôi về một vụ kiện vừa làm xôn xao dư luận nước Pháp. Vụ kiện động đến một vấn đề sâu thẳm làm tôi bối rối. Tôi nói đùa với con: “Đến tết Cônggô sẽ trả lời”. Đùa mà hóa ra thiệt: Tết này con tôi sẽ nhận được câu trả lời, như là quà Tết.
Quà Tết
Ảnh minh họa

Vụ kiện liên quan đến một cặp vợ chồng gốc Ả Rập, Hồi giáo. Gọi là vợ chồng, vậy mà không phải là vợ chồng, trừ khoảng thời gian từ buổi sáng ký giấy hôn thú tại tòa thị chính đến tờ mờ sáng gà gáy hôm sau. Vợ chồng tích tắc, chưa hết tích tắc đã hết vợ chồng. Cái tích tắc ấy diễn ra khoảng bốn giờ sáng. Lúc ấy khách khứa đang uống chén trà đường mãn tiệc cưới, sắp chào nhau ra về thì cửa phòng hoa chúc sực mở, chàng rể xuất hiện, mặt mày hớt hải. Chàng báo tin sét đánh ngang tai: cô dâu không còn trinh bạch!

Vài giờ sau đó, đúng như tục lệ quy ước, cha của chàng rể hộ tống cô dâu lên xe không hoa, trả về mái nhà xưa. Chồng hết là chồng, vợ hết là vợ trên thực tế. Nhưng trên pháp lý vợ vẫn vợ, chồng vẫn chồng, tơ hồng cột chặt, nghĩa vụ vẫn nguyên. Để chấm dứt tình trạng tréo cẳng ngỗng đó, anh chồng đâm đơn trước tòa kiện chị vợ, xin hủy bỏ hôn thú, căn cứ vào điều 180 Luật dân sự Pháp. Phần thắng anh chồng nắm chắc trong tay vì điều 180 nói rõ: nếu có lầm lẫn về “đặc tính cốt yếu” của người phối ngẫu, người kia có thể yêu cầu hủy bỏ giá thú.

Anh là người Ả Rập, Hồi giáo, chị là người Ả Rập, Hồi giáo, cùng một văn hóa, cùng một phong tục, cùng một tôn giáo, cả hai đều yên trí rằng trinh tiết là “đặc tính cốt yếu”. Anh lấy chị vì tin chắc rằng chị có điều kiện ấy để cho anh. Chị biết anh chờ đợi ở chị như thế và chờ được thỏa mãn. Nhưng trời sập trên đầu anh vì anh bị lừa. Anh bị lừa vì chị nói dối. Chị cho anh vào bẫy và anh sa chân. Lầm lẫn như vậy, đứng trong hoàn cảnh của hai người Ả Rập, Hồi giáo, cùng chia sẻ với nhau một giá trị chung, làm sao không gọi là lầm lẫn trên “đặc tính cốt yếu” được? Lầm con trai với con gái cũng “cốt yếu” đến thế là cùng! Đứng về mặt pháp lý thuần túy, quan điểm của anh chắc như đinh đóng cột.

Như đinh đóng cột, tòa án cũng thấy như vậy nên xử anh thắng kiện, giá thú vô hiệu, hôn nhân hủy bỏ. Giải pháp đó lại hợp lòng hai cá nhân, vì anh tuyên bố không thể sống chung trên một lời nói dối và chị cũng muốn thu dẹp chiến trường, chuyển mặt trận.

Sự việc ngang đó có thể kết thúc và con tôi cũng khỏi đặt câu hỏi, nếu các ông ký giả không đưa bản án lên báo. Báo vừa đăng tin, lập tức dư luận nổi sóng. Báo đài, nhân vật tôn giáo, nhân vật chính trị, hội bảo vệ phụ nữ, hội bảo vệ nhân quyền, đảng phái, luật gia, văn nghệ sĩ… bao nhiêu tai mắt trong xã hội chính trị, xã hội dân sự xôn xao phản ứng như có con ong ngứa nào đấy chích một phát làm nổi dị ứng cả mình. Có vấn đề nào nhạ‌y cả‌m hơn vấn đề ấy không?

Chẳng những chạm vào vùng hoang tưởng sâu kín nhất trong đầu óc con người, nó còn là bãi chiến trường giữa hai quan niệm giá trị, hai phong hóa, hai cách sống. Nhân danh tiến bộ, xã hội Pháp lên án quan niệm cổ hủ trói chặt người phụ nữ vào cái chữ trinh bất bình đẳng, nền tảng của một chế độ phụ quyền, gia trưởng, xem phụ nữ như thuộc cấp dưới, có những bổn phận, nghĩa vụ mà đàn ông không cần biết, tệ hơn nữa, như vật sở hữu của đàn ông.

Dù không nói ra, dưới mắt châu Âu xã hội Hồi giáo là thế: trinh tiết là bảo vật bên trong, khăn trùm là biểu hiện bên ngoài. Trong chiến trận âm thầm với sức lan tỏa của Hồi giáo, động đến chiếc khăn trùm thì khó vì màu sắc tôn giáo quá đậm, nhưng động đến trinh tiết thì không ai dám la làng vì chính nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng tranh chấp quan điểm về giới tính với xã hội thế tục. Thế nhưng ai dám quả quyết chiến trận về trinh tiết chẳng có liên quan gì đến tôn giáo, khi tôn giáo liên hệ chi phối cả sinh hoạt của con người trong lĩnh vực tư?

Bởi vậy, dư luận mới nổi sóng đến thế khi bản án xuất hiện trên báo chí. Cái gì vậy? Trinh tiết? Trinh tiết là cái gì mà tòa án phải xem như “đặc tính cốt yếu”? Cái gì mà tòa án phải xử hủy bỏ hôn thú? Cái ấy nếu là quý giữa hai người Ả Rập với nhau, thì chẳng là cái gì cả nếu hai người sống trên đất Pháp. Điều đó đáng lẽ tòa án phải làm cái loa để tuyên bố cho mọi người rõ, sao lại hùa theo tiêu chuẩn giá trị của người Hồi giáo để giải thích một điều luật của nước Pháp? Chẳng lẽ nước Pháp sống lầm thế kỷ? Chẳng lẽ nước Pháp sẽ a tòng với thiếu nữ Hồi giáo để xúi các cô ấy làm cái việc mọi rợ mà nhiều cô đã làm: vào bệnh viện nhờ phẫu thuật vá lại màng trinh?

Xôn xao của dư luận khiến nhà nước phải chống lại bản án. Bảy tháng sau tòa thượng thẩm xử lại, bác lối giải thích của tòa dưới, không xem trinh tiết như “đặc tính cốt yếu” nữa, dù có lừa dối. Tòa thượng thẩm nói rõ: xem như vậy là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ, vi phạm quyền tự do định đoạt về thân thể, vi phạm trật tự xã hội mà luật pháp phải bảo vệ.

Ôi, truân chuyên quá cặp vợ chồng tích tắc kia! Tưởng rằng hết tích tắc là hết vợ chồng, hóa ra không. Tòa bắt đồng hồ chạy lại! Tích tắc, tích tắc cho đến khi nào có bản án ly dị, tuy chàng ở đầu ghềnh, thiếp ở cuối bãi.

Theo dõi vụ án trên báo đài, con tôi hỏi tôi: người Việt ta nghĩ gì? Thú thật, tôi đã rất ngập ngừng. Nếu nói về người Việt sống trên đất Pháp, ai cũng thấy cộng đồng Việt Nam có phong cách sống khác cộng đồng Ả Rập: họ cưỡng lại hội nhập, ta hội nhập nhưng muốn giữ được bản sắc. Muốn giữ bản sắc nhưng lại không biết phải dạy con như thế nào. Không biết phải dạy con như thế nào cho nên càng bối rối trước vấn đề khẩn thiết hàng đầu khi con vừa lớn: quan hệ nam nữ. Có cha mẹ nào không thì thầm tâm sự với bạn bè khi con gái lên mười hai, mười ba: Chị ơi, em lo quá, nhà trường phát dụng cụ ngừa thai cho con trai, phát thuốc chống thai cho con gái. Em ơi, chị cũng lo, y tá nhà trường giữ bí mật cho nữ sinh, không báo cho gia đình biết, ta biết gì về con?

Tôi có tài giỏi gì hơn các cha mẹ khác đâu. Cũng bối rối không tìm ra câu trả lời. Nhưng tôi biết con tôi đoán được lòng dạ tôi. Tôi đủ phóng khoáng để chấp nhận tiến hóa của xã hội ở đây, nhưng tôi biết tự do nào cũng có giới hạn và mực thước là cái nôi trong đó tự do nằm thoải mái nhất. Tôi thấy tôi xa lạ với thứ văn hóa đã tạo ra dối trá của chị vợ và hớt hải của anh chồng. Đồng thời, tôi chẳng thấy quen thuộc được với thứ văn hóa gì nhạo báng việc trân quý một đặc tính của người phụ nữ. Một món quà mọn còn lựa người để cho, chẳng lẽ món quà quý không tìm người xứng đáng để trao tặng? Và món quà đó luôn luôn là quà quý dù lần đầu hay lần cuối, dù nữ hay nam. Trinh tiết là gì, xét cho cùng, nếu không phải là biết quý mình và quý người. Quý mình thì không làm gì để mình có thể tự chê mình. Quý người thì không đem cái mình tự chê để tặng người.

Tôi nói thế là đứng trong xã hội của nước Pháp, một văn hóa không giống văn hóa mà tôi đã thừa hưởng, để nói. Ví thử con tôi hỏi quan điểm của người Việt ở trong nước, tôi nói sao đây? Tôi nói thế này đúng chăng: trinh tiết vẫn là giá trị mà số đông gia đình Việt Nam vẫn giữ gìn như một lý tưởng, và điều đó may mắn cho xã hội. Nhưng nếu con tôi hỏi thêm: xã hội ấy có khe khắt chăng đối với những người không giữ được lý tưởng? Có biến con người thành những nạn nhân của dối trá, của hớt hải? Ngang mức này tôi đành phải mắc nợ thôi, vì tôi không nắm vững thực tế.

Nhưng tôi có một câu trả lời bên cạnh mà tôi cho là mang tính đạo đức cao hơn - cao hơn quan niệm thường tình, cao hơn luân lý của đức Khổng, thích hợp hơn với giới trẻ, đúng với mọi thời đại. Đó là đạo đức mà đại thi hào của nước tôi đã chuyển thành thơ, đạo đức của Nguyễn Du, đạo đức của Truyện Kiều, đạo đức của Kim Trọng khi chàng nói với người tình mười lăm năm trước: “Chữ trinh kia cũng có năm bảy đường”. Cái xã hội đã nâng Truyện Kiều lên thành quốc bảo, đã nhỏ lụy với Thúy Kiều bị vùi phấn dập hương, đã cho phép Kim Trọng thốt ra một câu phạm húy ghê gớm, cái xã hội ấy chắc chắn không thể giống với xã hội kia trong cái nhìn về người phụ nữ. Xã hội ấy có cái may mắn vô song thu nhận một thứ văn hóa khác, rộng mở, bao dung, giải thoát, bổ túc cho thứ luân lý nghiệt ngã, chật hẹp mà các ngài quân tử đã trùm lên đầu chị em. Truyện Kiều là hiện thân của văn hóa đó.

Tôi sẽ nhắc lại đoạn trường của Thúy Kiều cho con tôi biết. Hứa hôn với Kim Trọng. Rồi bán mình chuộc cha. Rồi vào thanh lâu. Rồi phong trần trong suốt mười lăm năm. Rồi nhảy xuống sông t‌ּự vẫ‌ּn. Rồi được sư vớt lên. Rồi tái ngộ với người tình mười lăm năm trước. Rồi người tình ấy xin cưới. Tôi sẽ hỏi: “Con có biết nàng Kiều bị vùi dập ấy nói câu gì với người tình muôn thuở không?”. Một đạo đức bất hủ:

Chữ trinh còn một chút này

Chưa ai định nghĩa chữ trinh như thế. Tuyệt vời! Cao ngất! Và “một chút” ấy nằm ở đâu? Ở trong đầu! Trong suốt mười lăm năm lưu lạc có lúc nào Thúy Kiều không nghĩ đến người xưa? Với người xưa ấy, cách đây mười lăm năm nàng đã giữ mình trong trắng. Trong trắng ấy vẫn còn nguyện vẹn. Nguyên vẹn trong đầu. Ai dạy Thúy Kiều bài học vỡ lòng của chốn thiền môn: tâm dẫn đầu mọi việc? Chẳng ai dạy cô, tự cô sống, tự cô biết. Cô nhìn vào tâm cô, tâm cô trong trắng, chung thủy. Trinh tiết là vậy.

Là vậy: Nguyễn Du của dân tộc ta vô cùng phóng khoáng, phóng khoáng mà không để mất cái gốc. Cái gốc ở đây là nhìn nhận một giá trị. Giá trị ấy đại thi hào của ta trân quý, nhưng không hiểu nó với cái đầu chật hẹp của luân lý thống trị.

Tôi nói như vậy, con tôi đã bằng lòng chưa? Hay là tôi phải nói thêm rằng trong đầu bao nhiêu cô gái làm nghề bán mình trên thế giới, chứ không phải riêng gì ở Việt Nam, có lạ gì ước mơ tha thiết được trao thân một lần cho người mình yêu! Trinh tiết là vậy. Là “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Hiểu như thế, cái gì lỗi thời không phải là trinh tiết, mà là đạo đức răn đe, đạo đức mệnh lệnh.

Đạo đức đó đã tạo ra bộ mặt hớt hải lúc bốn giờ sáng, tạo ra dối trá. Trong “tự do định đoạt về thân thể” áp dụng quá phóng túng ở đây, tôi thấy cái chất “thanh cao” ấy vẫn có thể làm nền tảng cho một đạo đức khác, không từ trên ban xuống mà do từ mình thầm thì với mình, một đạo đức dựa trên kinh nghiệm bản thân. Kinh nghiệm thầm thì nói: con người ai cũng có khuynh hướng tự nhiên hướng thượng, như hạt mầm tự nhiên tìm ánh sáng vươn lên. Kinh nghiệm thầm thì nói thêm: sống buông thả không đem lại hạnh phúc vì hạnh phúc khác với thú vui. Thú vui chốc lát đi qua, chán chường sẽ đến, hạnh phúc lại vẫn là ước mơ. Trinh tiết là hạnh phúc - hạnh phúc tặng nhau cái gì mình quý cho người mình quý.

Bây giờ, tôi trở về với quà tết của tôi. Hằng năm, tôi đưa con đến dự lễ giao thừa tại chùa Khuông Việt. Lễ xong, thầy trụ trì phát lộc đầu năm. Một mâm quýt được bưng ra, mỗi người lần lượt được phát một trái quýt vàng óng và một phong bì đỏ thắm. Từ nhỏ đến lớn, con tôi nhận lộc với tất cả hớn hở trẻ thơ. Quýt được mang về tận nhà, phong bì nằm trên bàn học ba ngày tết. Lúc nhỏ, phong bì đựng một đồng xu. Khi lớn, vẫn đồng xu nhưng có thêm một câu kinh dễ hiểu. Tôi chợt nghĩ ra quà tết cho năm nay: nợ quà và nợ câu trả lời sẽ trả cùng lần vào dịp đó. Tôi sẽ nhờ thầy trụ trì nhét vào phong bì đỏ câu kinh Pháp cú sau:

Tự biết chế ngự/Ở giữa bao kẻ/Chỉ sống buông thả.
Tự lo thức tỉnh/Ở giữa bao kẻ /Chỉ sống say mê.
Người trí như vậy/Như con tuấn mã/Phi lên phía trước/Bỏ lại đằng sau/Những con ngựa hèn.

Chắc con tôi hiểu ý tôi: đó là đạo đức áp dụng bình đẳng cho con gái và con trai. Áp dụng cho con gái có thể gọi đó là đạo đức trinh tiết.

TT

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật