Có nên vạch mặt một kẻ “chém gió” thành “bão”?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi biết nó “chém gió” ầm ầm về thân phận, gia đình và cả xe cộ nữa. Rõ ràng là con bà bán rau, mà lại xưng là tiểu thư, bố làm giám đốc xây dựng... Tôi biết rõ lắm, nhưng liệu có nên vạch mặt nó không?
Có nên vạch mặt một kẻ “chém gió” thành “bão”?
Ảnh minh họa

Vào lớp 11 được hai tháng, lớp tôi đón nhận một thành viên mới. Tôi ít khi để ý mấy chuyện này, nhưng cô giáo lại sắp xếp bạn mới ngồi vào chỗ trống cạnh tôi. Khi cô bạn mới chào, tôi buộc phải để ý vì “điệu quá”. Liếc mắt sang, khá xinh, tóc tai điệu đà kiểu tiểu thư, tên Giang. Cũng dễ mến nên tôi mỉm cười chào bạn ngay. Nhưng tôi vẫn linh cảm có điều gì đó không ổn.

Chỉ cần 2 tuần để chứng minh một nửa nhận định của tôi. Trường tôi bắt buộc phải mặc đồng phục các ngày trong tuần nhưng cô bạn vẫn có cách để thể hiện sự “hơn người” của mình. Sáu ngày, mỗi ngày nó đi một đôi giày khác nhau, tóc thì hôm xoăn, hôm thẳng và lúc nào cũng thơm nức mùi nước hoa. Nhưng cách thể hiện ra ngoài mới làm tôi chú ý. Có hôm, vừa đến lớp, chuông điện thoại reo, nó chạy ra ngoài một lát rồi vào thở dài rõ to: “Hôm nay bố lại ăn tiệc rồi, chán quá!”. Cái Linh ngồi bàn dưới vội ngóng lên hỏi: “Bố cậu làm gì?”. Nó tỏ ra khiêm tốn: “Gì đâu, bố tớ chỉ là giám đốc một công ty xây dựng. Thế mà bận bù đầu chả mấy khi được ăn cơm ở nhà. Đấy hôm nay lại đi ăn chiêu đãi ở công ty con rồi”. Bọn lớp tôi trầm trồ. Còn tôi bắt đầu thấy ghét, nói thật tôi hơi thẳng tính, cái gì có dấu hiệu giả tạo là tôi rất ghét. Có cần phải khoe khoang đến thế không? Lớp tôi có nhiều đứa nhà cũng khá lắm, nhưng kiểu cách không như Giang.

Cuối tuần đầu đi học, Giang rủ đám con gái đi liên hoan ra mắt. Tôi từ chối không đi vì tôi không thích nhìn nó “thể hiện” ta đây con nhà giàu. Nhưng tôi nghe đám bạn kể lại, chúng nó được “ra mắt” tại một chỗ rất sang trọng. Lúc thanh toán, Giang giơ hoá đơn lên hết... 2 triệu. Chưa một ai chơi trội như thế, điều này làm tôi càng tò mò về Giang hơn.

Dĩ nhiên, trường tôi cấm học sinh đi xe máy đến trường. Những ai đi xe máy đều phải gửi ở mấy nhà giữ xe xung quanh trường. Tôi toàn đi xe bus nên cũng không mấy khi để ý trong lớp đứa nào đi xe gì. Có hôm trễ xe bus, sợ muộn bài kiểm tra tôi mới mượn chiếc Click của chị gái phóng tạm. Thế là tôi đụng mặt nó ở bãi gửi xe. Gặp tôi, nó chào kiểu rất khinh thường: “Mai cũng đi xe máy à?”. Tôi thầm tức nhưng chỉ trả lời: “Không. Nhà Mai nghèo, làm gì có xe máy mà đi. Đây là xe đi mượn vì trễ xe bus. Thế LX của Giang đâu mà lại đi Wave, hôm trước Giang bảo mới dán hồng mà...”. Tôi thấy nét mặt nó hiện rõ vẻ lúng túng, rồi nó nói: “Tớ mới mất chiếc LX tuần trước. Bố mẹ phạt bắt đi Wave cho biết. Khổ thế đấy, nhưng chắc sắp mua lại í mà”. Tôi cười không nói gì.

Chủ nhật, tôi sang bên Thanh Xuân chơi với dì. Hai dì cháu rủ nhau đi chợ, nấu cơm. Qua một hàng rau, tôi nghe thấy cái giọng điệu điệu quen quen. Liếc mắt nhìn thì hoá ra chính là tiểu thư cùng bàn. Nhưng sao hôm nay trông lạ lắm, tuềnh toàng quần áo ở nhà, hàng hiệu chả thấy đâu. Tôi tò mò lắm, nó làm gì ở đây nhỉ!

Nhưng tôi chẳng phải thắc mắc lâu bởi cuộc đối thoại của nó và người đàn bà bán rau đã làm sáng tỏ mọi thứ. “Sao mày tiêu lắm tiền thế con? Quần nọ áo kia, ăn ăn uống uống. Phải để phần cho thằng Phương ăn học nữa chứ!” . Giọng tiểu thư nhỏ hơn, “Lớp mới, nếu biết là con nhà nghèo đứa nào nó thèm chơi. Mẹ phải tạo điều kiện cho con hoà nhập chứ!” Ngay lập tức mẹ Giang gằn giọng, “Hoà nhập gì, gần triệu bạc ra mắt, chục ngày chạy xe ôm của bố mày rồi”... Tôi chỉ nghe tới đó thì dì giục đi, nhưng tai tôi hoa lên vì sự thật.
 
Giang luôn bốc phét rằng mình là con gái của một giám đốc xây dựng, trong khi bố nó chỉ là tài xế xe ôm. (Hình minh hoạ)

Xưa nay, tôi ghét nhất loại người “chém gió”. Nghèo thì nói là nghèo, còn bày đặt kiêu làm gì. Nghèo mà cứ thích ra vẻ con nhà giàu, ngay trong tôi lúc đó là ý nghĩ sẽ lật tẩy cô nàng hay chém gió này, dạy cho nó một bài học thích đáng.

Hôm sau đến lớp, tôi tỏ ra thân thiện hẳn với cô bạn cùng bàn. Cuối giờ, trong lúc cả lũ đang nói chuyện vui vẻ, tôi chợt đề nghị chiều cả hội đi uống nước. Ham vui nên bạn tôi đồng ý ngay. Mặt Giang hơi tái lại, nhưng nó cười rất tươi. Vì thích thể hiện, đây đã là lần thứ 4 nó trả tiền cho các cuộc gặp mặt trong lớp. Hôm đó cũng vậy, tôi cố ý gọi thật nhiều món, tôi vẫn quan sát Giang và nhận thấy tuy nó hớn hở nhưng mặt cũng đã có chút biến sắc. Tôi mừng thầm lắm.

Liên tục sau đấy, tôi nghĩ ra những trò chơi, dịp ăn uống để “cả hội thân thiết và gần gũi nhau hơn”. Và dĩ nhiên người chủ chi vẫn là Giang. Tôi thừa biết nó khổ sở thế nào khi “chạy tiền” cho những bữa “giao lưu bạn bè như thế”. Tính sĩ diện của nó vẫn như lúc đầu mặc dù tôi biết để xoay tiền không dễ chút nào. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của tôi, nó lại càng ăn diện và tỏ ra cao sang hơn. Giang khoe ầm lên là mới được bố tặng cho cái điện thoại gần chục triệu, mọi người thì tin sái cổ còn tôi biết thừa, chẳng có bố nào ở đây hết. Tôi chỉ thắc mắc không hiểu nó lấy tiền ở đâu, khi mà mẹ bán rau vất vả đến thế...

Tôi phát hiện ra dạo này nó phải đi làm thêm, hình như là xếp bóng bi a. Tôi không lạ gì cái nghề này, lương cũng khá, không vất vả. Nhưng bọn con trai ở đó thì... Chúng trêu đùa, đụng chạm vào người nhân viên cũng không ít. Lại là tôi phát hiện ra việc làm của nó, vì anh họ tôi hay đánh bi a ở quán đó nên tôi đã đụng mặt nó không ít lần, lúc đó Giang còn mải cười đùa với khách, thậm chí còn lả lơi... Tôi nhăn mặt khi nhìn thấy thế, thú thực là tôi ghét lắm. Ghét cái vẻ giả tạo của nó mỗi khi đến lớp, mỗi khi nó khoe bố nó mới “ký hợp đồng” hàng chục tỷ. Nhưng có lúc tôi lại thấy thương cho chính bố mẹ nó ở nhà.

Một lần nó lại khoe mẹ mới đi Pháp về cho tiền, mời bọn ở lớp đi ăn lẩu. Tôi cũng tham dự cùng nhưng lần này tôi không tài nào chịu nổi tính chém gió của nó nữa. Khi phục vụ đưa rau ra, nó cầm rồi sẵng giọng “Rau bẩn thế, người ăn hay chó ăn đây...” làm tôi tức nổ mắt. Chính mẹ Giang còn đang vục mặt bán rau ở chợ... Giây phút đó, tôi không kìm được đã thốt lên “Chính Giang biết rau bẩn hay sạch rõ nhất đấy, nhỉ!”. Mặt nó tái dại, không còn vẻ huênh hoang lúc đầu nữa, nó im lặng ăn xong rồi thanh toán. Tôi định sẽ nói hết với bọn nó, nhưng điều gì đó đã giữ miệng tôi lại. Có lẽ tôi sợ trở thành đứa xấu tính buôn chuyện...

Nhưng có vẻ như đó chẳng “xi-nhê” gì với Giang. Những ngày sau đó, tôi thấy nó đi LX đi học thật. Tiền thì ngày càng nhiều hơn, tiêu pha bạt mạng và hay mời cả lớp đi chơi. Giang vẫn kể câu chuyện bố đi công tác, thậm chí giờ nó còn bốc phét nhiều hơn là nhà nó sắp chuyển đi Mỹ nếu không có gì thay đổi. Tôi không biết tiền ở đâu ra, nhưng chắc chắn không thể từ người mẹ bán rau và bố chở xe ôm cho được. Khi tôi đến quán bi a, Giang đã không còn làm ở đó.

Giờ nó vẫn đi học đều, và nó hay nhìn tôi bằng ánh mắt thách thức. Mỗi khi nghe nó nói gì đó về một gia đình “ảo” hoàn toàn, tôi chỉ muốn xông vào chỉ thẳng kẻ bốc phét chém gió, nhưng cảm giác sợ bị bạn bè cho là ghen tị nên tôi lại thôi. Mới đây, nó khoe mới có một công tử nhà giàu ngang... nhà nó, hai nhà rất môn đăng hộ đối có thể Giang sẽ đi Mỹ cùng cậu ta. (!?) Tôi không hiểu nó có bị tâm thần không mà tưởng tượng ra lắm cảnh đến thế, phải xây cho mình cái vỏ giàu làm gì cơ chứ !

Lúc nào cũng phải nhìn mặt kẻ nói dối, nghe chém gió hàng ngày mà lại không biết có nên vạch mặt nó ngay hay là để cho các bạn tự phát hiện, tôi đang rất khó xử. Hơn nữa, nếu tôi làm thế, chắc chắn sẽ không còn ai chơi với Giang. Lúc đó, nó sẽ chuyển đi đâu trong sự xấu hổ nhục nhã? Nghĩ tới nỗi khổ của cả bố mẹ nó làm việc vất vả, những mong con hoà đồng được với bạn, lòng tôi cứ chùng lại...

Kenh14


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật