Nỗi niềm sinh kế tha hương của người Việt ở Lybia

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đêm hè Libya, ở trại lao động Souq Al Ahad, tiếng điện thoại của người công nhân làm vỡ cả một góc triền cát sa mạc bắc Sahara: “Vâng, mẹ, bên này con khỏe lắm, công việc ổn định, lương rất khá, ăn đồ Tây ngon cực, lên 2 cân rồi...”.
Nỗi niềm sinh kế tha hương của người Việt ở Lybia
Cuộc sống tạm bợ trong khu nhà trọ nơi xứ người

18 giờ 35, giờ cơm chiều ở trại Souq Al Ahad, cầm lọ mì chính (bột ngọt) mang sẵn từ VN trên tay, cậu công nhân 20 tuổi tên Tuấn, quê Thái Bình, đã lên nhà ăn tập thể nhưng rồi lại quay về phòng, dùng nốt suất ăn thừa từ buổi sáng: bánh mì quệt bơ và mứt dâu tây, uống nước trắng. Không phải ngày nào Tuấn cũng bỏ cơm nhưng Tuấn đã quá quen với việc bữa tối ăn không được no.

Nằm trên chiếc giường tầng được che chắn bởi những tấm vải to trông như những chiếc ổ trong căn phòng trọ chật chội, 5m2 chia trên 8 đầu người sống chung với bọ rệp, với những bức tường treo rặt quần áo lao động lấm dầu, cậu công nhân trẻ than thở: “Ở nhà ai mà biết đi Tây không được ăn no? Buổi tối chỉ có trứng gà công nghiệp. Hôm nay ăn trứng rán thì mai ăn trứng xào. Trứng rán thì ăn được nhưng trứng xào ngang đến nỗi không ai ăn nổi. Không ăn thì đói”.

Công nhân cả trại đều chung sự ăn uống kham khổ đó. “Đời là một vại dưa muối hỏng, muối hỏng rồi ta phải muối lại thôi!”. Thỉnh thoảng vài hôm Tuấn lại nghêu ngao câu đùa vui và khệ nệ bê một mớ bẹ rau cải bắp già xin về từ nhà bếp, những lá cải bắp đã úa vàng viền cạnh, đã bị nhà bếp bỏ đi. Tuấn mang về để muối dưa cả phòng ăn dần cũng được mấy bữa.

Khi thấy nhiều công nhân đến xin giấy phép đi khám bệnh đau bụng, kỹ sư Mustafa Tirelioglu, người Thổ Nhĩ Kỳ, thật ngạc nhiên, vì: “Tại sao công nhân Việt Nam ai cũng ăn thịt gà, uống máu (drink the blood) những con gà già?". Đó là những con gà công nghiệp già, èo ọt đáng lẽ phải đem chôn hoặc hủy. Người Libya cũng biết, nhưng công nhân Việt Nam mua nhiều nên họ cứ mang đến bán bởi đó là thứ tẩm bổ duy nhất sẵn có và hợp túi tiền.

Đã từng đi xây dựng ở các nước Ả Rập, anh Thắng, công nhân 29 tuổi, quê Thái Nguyên, quyết định sẽ kinh doanh ngay từ trước khi sang Libya. Vừa mới đặt chân đến trại Souq Al Ahad, anh đi gõ cửa từng phòng chào bán khay hàng Việt Nam của anh: các loại thuốc men, những miếng cao dán, những lọ dầu gió, những hộp C sủi rồi mấy túi bột giặt, chè Việt, cả hàng cân thuốc lào nữa. Khi đã ổn định, anh mở quán tại phòng, bán miến dong, đậu phụ đóng hộp, nước mắm, những đồ VN mà anh đi tìm mua khắp các đầu mối ở Tripoli.

Những cảnh dở khóc dở cười

Đôi khi có những cái thiếu thốn khiến người ta phải giật mình. Đang nửa đêm, Nam, công nhân 19 tuổi, bỗng nổi cơn đau bụng quằn quại. bệnh xá đóng cửa, đêm đó không có y tá trực. Đến khi điều phối viên, phiên dịch viên (ở cách đó 1 km) biết chuyện, xuống thăm thì cơn đau của Nam tự nhiên đã giảm từ bao giờ. Tất cả cười xòa: “Tốt nhất là không nên bị làm sao đêm hôm, đâu phải lần nào mình cũng may mắn thế”. Theo lời anh Minh Anh, phiên dịch viên trại Souq Al Ahad, những bác sĩ bản địa đều chạy sô làm hợp đồng 3, 4 chỗ. Các công ty xây dựng thường chỉ thuê họ làm việc ở bệnh xá một ca buổi sáng hoặc buổi chiều. Buổi tối các trại thường chỉ có y tá trực. Thậm chí không có. Tôi chột dạ, nếu có tai nạn lao động nguy hiểm cho ai đó làm ca đêm..., bệnh viện ở Tripoli cách đó 80 km.

Hai năm vắng bóng người thân ở đất nước Hồi giáo cũng thật dài.

Đâu phải ai cũng dám đi “xả stress”. Theo lời anh Căn, ở trại Sahadi (Tripoli), đi làm về mà qua ngõ phố, con gái Sudan đen xì, béo, cứ lôi tay mình, đặt lên tận ngực. Có những hôm chủ nhật cũng có một số người đi bộ vào các đường phố xung quanh bãi chợ trời ở trung tâm thành phố, là có “cò” gạ vào, nhưng anh không dám, không biết tiếng là một, sợ bị lừa đánh hoặc cướp. Có người chọn cách khác "an toàn" hơn: mua laptop về, nối mạng, ban đêm chat đủ kiểu với vợ hoặc bạn gái trên mạng.

Đêm nằm nhớ quê nhà

Người ta mong muốn gì khi đi làm xa nhà như thế? Trên đầu giường của cậu công nhân tên Mạnh, 22 tuổi, quê Nghệ An, có ghi những dòng chữ giản dị: “Xa quê hương có ba điều để nhớ: Có một việc để làm - Có một người để nhớ - Có một cuộc sống vui vẻ”.

Phương tiện giải trí duy nhất trong những căn phòng trọ ba bề là núi, bề còn lại cách xa cộng đồng dân cư bản địa 3 km là tivi kênh VTV4 và những hội chơi bài tây. Một buổi tối của công nhân Nhâm được chia thành: ăn cơm xong sẽ ngồi chơi tán chuyện chờ đến giờ phim kênh VTV4 lúc 7 giờ 30 tối giờ địa phương. 8 giờ 30 tối, xem hết bộ phim anh sẽ về phòng và lên giường ngủ liền mạch đến sáng hôm sau, hoặc không anh sẽ chơi bài tây với những lá bài cũ nát. Ngồi nói chuyện mãi cũng nhàm vì ngày nào cũng chỉ có những chuyện quen thuộc.

Món giải trí ồn ào và náo nhiệt nhất ở các trại lao động xây dựng là đánh bài. Thường cuối tháng các công nhân sẽ được nhận tiền tạm ứng, những “cái bạc” nổi tiếng sẽ đi taxi từ trại nọ sang trại kia, ngồi trong một phòng nào đó, con bạc quây kín cả phòng, đông nghẹt mùi thuốc lá. Hết mấy ngày cuối tháng, số tiền ứng hết, trại đó lại trở về cuộc sống tẻ nhạt bình thường.

Nếu muốn đi chơi phố thì phải chờ ngày chủ nhật và vào những khi có tiền ứng. Thành phố Tripoli ở xa và công nhân không biết làm gì ngoài việc đi chợ mua sắm đồ lặt vặt và dạo phố. Nói thêm rằng những nhà hát hay trung tâm vui chơi giải trí công cộng ở Tripoli chưa phát triển. Âm nhạc phổ biến trên phương tiện truyền thông là âm nhạc dân gian.

“Biết là đi xa nhà sẽ thiếu thốn, nhưng không nghĩ là đến thế này. Bình thường không sao, nhưng lúc nào ốm ngây ngấy là muốn ở nhà, cạnh vợ con”.

Câu nói thật thà ấy của anh Quyền làm tôi nhớ đến những phút gặp gỡ người thân hiếm hoi của anh Nhung, thợ mộc 53 tuổi, quê Ninh Bình. Tháng 5/2010 khi anh làm ở trại (miền tây Libya - Tripoli) đã 21 tháng, cậu con trai từ Việt Nam bắt đầu sang làm việc ở miền đông Libya (Benghazi). Biết ngày con trai bay sang sân bay Tripoli, anh xin phép nghỉ làm việc, bắt taxi 80 km lên sân bay chờ gặp con. Cha con có 30 phút gặp gỡ, sau đó lại chia tay. Người bố trở về trại, đứa con tiếp tục đi tiếp hàng nghìn km sang Benghazi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật