Cuộc sống của các điệp viên Nga ở Mỹ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chàng thanh niên sành điệu lái chiếc xe Mercedes-Benz đắt tiền chở cô bạn gái tóc nâu nóng bỏng dạo quanh Washington D.C. Sự xuất hiện của họ chỉ khiến người ta ghen tị, chứ không ai tỏ ý nghi ngờ.
Cuộc sống của các điệp viên Nga ở Mỹ
Nhà của Richard và Cynthia Murphy ở ngoại ô New Jersey. Ảnh: AFP.

Tương tự, không ai đặt ra câu hỏi nào về cặp vợ chồng sống cùng hai cô con gái nhỏ ở khu ngoại ô dành cho giới trung lưu ở bang New Jersey. Còn cây viết cho tờ báo tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng, cũng chẳng làm ai nghi ngại.

Từ Virginia tới Boston, từ New York tới Seattle, các nghi phạm điệp viên sống cuộc đời hoàn toàn bình thường. Thậm chí, giọng nói của họ cũng không khiến ai bận tâm trong đất nước có nhiều người nhập cư này.

Tuy nhiên, những vỏ bọc được xây dựng kỳ công bị phá hủy sau khi cục điều tra liên bang Mỹ FBI bắt giữ họ với cáo buộc làm gián điệp cho cơ quan tình báo Nga. Một số bị cáo sử dụng tên tuổi giả - thậm chí có người còn lấy cắp danh tính của một người Canada đã chết. Những người khác dùng tên thật của họ song vẫn duy trì cuộc sống hai mặt và bị Matxcơva điều khiển.

FBI không tiết lộ những điệp viên này chuyển tải thông tin tình báo gì. Dù việc bị bắt chứng tỏ họ không phải những gián điệp thành công cho lắm, hàng xóm của họ vẫn không hết bàng hoàng. "Tôi ngạc nhiên khi nghe tin họ bắt người Nga, đây đâu còn là thời chiến tranh Lạnh nữa", Celest Allred, hàng xóm của một nghi phạm thốt lên. "Chẳng ai nghĩ hàng xóm của mình làm những chu‌yện ấ‌y".

Mục đích của những điệp viên này đúng là không để hàng xóm nghi ngờ. "Nếu mà là điệp viên, tôi chắc cũng muốn sống ở một nơi thế này", Will Lewis, một người hàng xóm khác, cho hay.

Có lẽ không đâu cho họ một vỏ bọc hoàn hảo hơn thị trấn Monclair ở vùng ngoại ô của New Jersey. Richard và Cynthia Murphy sống trong một đường phố vắng lặng, có tên là Marquette, trong một ngôi nhà hai tầng nhỏ xinh. Cynthia lúc nào cũng ăn mặc đẹp và làm việc cho ngân hàng New York. Chồng cô ở nhà trông nom con cái. Gần họ là nhà của cây hài danh tiếng Stephen Colbert và một số nhà báo cùng học giả trung niên.

Gia đình Murphy rất thân thiện và con gái họ tới học trường gần nhà. "Con cái họ rất đáng yêu. Họ giống như tất cả những người khác", Stanley Skolnick, một giáo sĩ 67 tuổi, có cháu gái học cùng trường với các cô bé nhà Murphy cho hay. "Họ khá kín tiếng".

Hàng xóm không thấy bất cứ điều gì khác thường. Họ chỉ biết anh chồng sinh ra ở Philadelphia và cô vợ ở New York. FBI cho hay đã tìm thấy giấy khai sinh giả có tên Richard Murphy trong hộp ký gửi của ngân hàng. Cuộc hôn nhân có thể cũng là giả vì FBI cho biết họ được ghép đôi ở Matxcơva, dù con cái có thể là của họ. Hai vợ chồng nhà Murphy được cho là gặp gỡ với những liên lạc viên người Nga để chuyển thông tin ở các nhà ga và dùng mực không màu để viết tin.

Sự nghiệp làm gián điệp của Murphy chấm dứt khi cảnh sát lao đến khu phố vốn vắng lặng. Hai cô con gái về nhà và thấy các điệp viên Mỹ đã ở bên trong. Hai cô bé bỏ nhà đi cùng gối và túi ba lô. Tuổi thơ ở ngoại ô Montclair tan thành mây khói.

Trong khi đó, ở vùng ngoại ô của Washington, hàng xóm của Mikhail Semenko nhận xét anh chàng là người thân thiện và có cô bạn gái hấp dẫn. Anh này ngoài 20 tuổi và rất sành điệu. Anh chàng lái một chiếc Mercedez-Benz đắt tiền, từng chụp ảnh bên ngoài Nhà Trắng và đôi khi khiến hàng xóm tỉnh giấc vì tiệc đêm.

Semenko, được cho là tên thật, chuyển tới hạt Arlington mùa hè năm ngoái từ New York. Anh làm việc cho công ty du lịch Travel All Russia và có thể nói được tiếng Anh, Nga, Tây Ban Nha và Trung Quốc trôi chảy. Chủ công ty này, Slava Shirokov, ngỡ ngàng vì vụ bắt giữ. "Tôi không thể tưởng tượng Mikhail lại làm việc đó. Cứ như phim vậy", ông nói và thêm rằng Semenko có vẻ mất hứng làm việc trong vài tuần gần đây.

Shirokov không chỉ điều hành công ty du lịch. Ông còn là nhà phân tích địa chính trị cho một công ty tài chính - đúng người mà Moscow Center (cơ quan quản lý các nghi phạm điệp viên) muốn các gián điệp kết thân. Arlington còn là nơi đặt Lầu Năm Góc. Trụ sở của Cục Tình báo Trung ương cũng ở gần đó.

Cũng ở Arlington, Michael Zottoli và Patricia Mills sống cùng hai đứa con nhỏ của họ. Hàng xóm cho biết họ rất dễ mến và không có gì đặc biệt ngoài giọng nói. Zottoli nói anh ta là nhân viên ngân hàng đầu tư người Italy. Mills nói cô là một sinh viên Canada. Trước khi chuyển tới Arlington, họ sống ở thành phố Seattle. Họ được cho là "những người thuê nhà nhà lý tưởng", "vui vẻ và lịch sự".

Anna Chapman, một trong 11 nghi phạm điệp viên. Ảnh: Facebook.

"Họ là những người tử tế nhất ở đây", John Evans, điều hành khu nhà ở Seattle, nói. "Thực tế tôi từng muốn họ ở mãi. Nghe giọng nói thì họ có vẻ là người nước ngoài. Micheal nói anh ta là người Italy. Anh ta cũng giống người Italy".

Hai điệp viên khác dùng tên giả là Donald Heathfield và Tracey Foley, sống cùng hai con, và nhập cư từ Canada. Họ sống ở Boston và một đứa con của họ học trường đại học George Washington. Heathfield làm việc tại công ty tư vấn Global Partners. Trang web công ty miêu tả anh là một "nhà quản lý, doanh nhân và học giả".

Tuy nhiên, FBI cho biết nghi phạm đóng giả Heathfield lấy tên của một người Canada đã chết. Tracey Foley cũng được cho là mang hộ chiếu Anh giả do Matxcơva cung cấp.

Theo FBI, Heathfield báo cáo với Matxcơva năm 2004 rằng anh ta đã liên lạc với một nhà khoa học làm việc cho một cơ quan nghiên cứu của chính phủ Mỹ liên quan tới phát triển vũ khí hạt nhân. Năm sau đó, ông ta kết thân với một quan chức an ninh cao cấp của Mỹ.

Một số nghi phạm khác thì chọn lối sống ồn ào hơn. Vicky Peláez làm cho tờ báo tiếng Tây Ban Nha hơn 20 năm nay. Các bài của nhà báo này chủ yếu chỉ trích chính sách Mỹ ở Mỹ Latin và bảo vệ Fidel Castro cùng Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. "Fidel Castro bất tử", Peláez viết 4 năm trước khi nhà lãnh đạo Cuba lâm bệnh nặng.

Peláez, sinh ra ở Peru, bị bắt cùng chồng Juan Lazaro ở ngoại ô New York. Lazaro khẳng định sinh ra ở Uruguay. Tuy nhiên, trong các đoạn ghi âm mà FBI có được, Lazaro nói gia đình ông ta đến Siberia sinh sống khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô năm 1941. Mười năm trước, Peláez bí mật gặp gỡ một quan chức Nga ở Peru. Bộ Tư pháp buộc tội Peláez nhận tiền từ chính phủ Nga.

Con trai của Peláez khẳng định cha mẹ anh ta vô tội. Anh nói rằng họ thậm chí còn không biết sử dụng hòm thư Yahoo và các cuộc bắt giữ là "trò hề".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật