Quan điểm giáo dục của bà Hillary Clinton

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Hiện nay Nhà nước ta nói trẻ em là tài nguyên quan trọng nhất, nhưng chúng ta lại đang phí phạm các sinh mạng quý giá ấy! Dường như chúng không có ý nghĩa gì nữa. Vấn đề trẻ em bị coi là một “vấn đề mềm”, chỉ thuộc về những người có tấm lòng mềm yếu (thường là phụ nữ). Nó luôn bị đặt ra ngoài lề các vấn đề kinh tế và xã hội hùng vĩ hơn.”
Quan điểm giáo dục của bà Hillary Clinton
Ảnh minh họa

"It takes a village to Raise a Child" là một câu ngạn ngữ của người Nigeria châu Phi "Ora na azu nwa", nghĩa là Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Trong văn hóa Nigeria, từ Nwa Ora nghĩa là con cái của cộng đồng.

Bà Hillary Rodham Clinton đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình với mọi người qua cuốn sách dày 352 trang có tên It Takes a Village, chắc hẳn với ý nhấn mạnh trẻ em không phải chỉ là của một gia đình mà là của cả xã hội; cộng đồng xã hội cần quan tâm đến sự giáo dục mọi trẻ em, phải huy động toàn bộ sức người sức của của cộng đồng (“làng xóm”) để làm tốt công tác giáo dục lớp trẻ.

Hillary Clinton viết sách này khi đã sang năm thứ tư trên cương vị Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ, Chelsea đã 16 tuổi (...) Ở cương vị Đệ nhất phu nhân, trong cuốn sách trên bà đã phát triển quan điểm giáo dục trẻ em của mình trên bình diện toàn xã hội để mọi người bình thường đều có thể tiếp nhận. Bà chỉ nói về giáo dục thông thường, hoàn toàn không nói gì tới việc giáo dục thiên tài, thần đồng (...).

Thế giới hiện nay ngày một thu nhỏ chỉ còn là một cái làng. Máy bay, tàu hỏa siêu tốc, thông tin hiện đại, Internet và các phương tiện truyền thông đang đẩy nhanh quá trình đó. Nuôi dạy con không còn là việc của gia đình hoặc nhà trường, mà toàn xã hội, thậm chí toàn thế giới đều có trách nhiệm. Một đứa trẻ hư hỏng có thể tác động xấu tới nhiều trẻ khác, tới cả xã hội.
(...)

Sách của Hillary có riêng một chương Trẻ sinh ra không mang theo bản thuyết minh, trong đó tác giả trình bày sự quan trọng của việc hướng dẫn phụ nữ khi mang thai và sau khi sinh con, cũng như chính sách liên quan của Nhà nước. Thời kỳ trước 3 tuổi rất quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ, ngay khi là bào thai đã cần sự kích thích từ bên ngoài như vuốt ve, trò chuyện nhằm kích thích trí não nhận thông tin. Vì thế không ít phụ nữ khi có thai là xin nghỉ việc để chăm sóc con cho tới khi trẻ tròn 3 tuổi.

Tác giả không tán thành cách bắt trẻ phải học quá nhiều thứ. 

Nhà nước nên có chính sách ưu đãi họ về thuế thu nhập, về cung cấp thực phẩm. Tác giả không tán thành cách bắt trẻ phải học quá nhiều thứ, chẳng hạn mới 2-3 tuổi đã học chơi dương cầm, học vẽ, múa ballet. Hillary cho biết bà và ông Clinton rất hẫng hụt khi thấy Chelsea lớn lên đã tự quyết định học múa ballet chứ không thích chơi thể thao như bố mẹ cô.

Hillary viết: “Hiện nay Nhà nước ta nói trẻ em là tài nguyên quan trọng nhất, nhưng chúng ta lại đang phí phạm các sinh mạng quý giá ấy! Dường như chúng không có ý nghĩa gì nữa. Vấn đề trẻ em bị coi là một “vấn đề mềm”, chỉ thuộc về những người có tấm lòng mềm yếu (thường là phụ nữ). Nó luôn bị đặt ra ngoài lề các vấn đề kinh tế và xã hội hùng vĩ hơn”.

Hillary không tán thành thuyết Đường cong hình chuông, một lý thuyết đưa ra năm 1994 từng làm chấn động thế giới vì nó khẳng định: trí lực con người được quyết định ngay từ khi mới sinh ra, là một phần của gene, không thể thay đổi được; từ đó họ chứng minh “chủ‌ng tộ‌c có liên quan tới trí lực”, trí lực người da đen thấp hơn người da trắng (1).

Để bác thuyết nói trên, Hillary chọn ra 100 trẻ sơ sinh người Mỹ gốc Phi, cha mẹ chúng nói chung chưa học hết phổ thông trung học, có IQ bình quân là 85, phần lớn các gia đình này sống nhờ trợ cấp xã hội. Khoảng một nửa số trẻ đó khi đầy 4 tháng tuổi được đưa vào các vườn trẻ, tại đấy chúng được ăn uống tốt, được giáo dục, có các đồ chơi và nhiều môi trường ngoại cảnh tốt, lại được các thầy cô giáo định kỳ đến thăm, hướng dẫn phụ huynh cách dạy trẻ.

Khi trẻ lên 3 tuổi, IQ bình quân của nhóm trẻ thực nghiệm này cao hơn 17 điểm (101:84) so với một nửa số trẻ còn lại (không đi nhà trẻ). Chênh lệch này kéo dài cho tới 10 năm sau. Điều đó chứng tỏ giáo dục có thể thay đổi được chỉ số trí tuệ IQ của trẻ em, khác với thuyết Đường cong hình chuông.

Cũng vậy, Hillary còn dùng kinh nghiệm của mình kết hợp lý luận chứng tỏ sự hình thành và phát triển lành mạnh của chỉ số tình cảm EQ có liên quan nhiều tới thời kỳ đầu của trẻ. Điều đó như cảnh báo chúng ta: cho dù thuyết Đường cong hình chuông lẫn lộn phải trái song chúng ta chớ nên coi nhẹ cơ sở dữ liệu đã xây dựng nên thuyết này.

Chênh lệch về giáo dục trẻ em giữa các vùng phát triển và vùng lạc hậu cũng tồn tại Hiệu ứng Matthew (2), điều đó nhất trí với quan điểm tích lũy vốn văn hóa do P. Bourdieu(3) trình bày. Trong khi đó người ta lại chỉ chú trọng tăng cường giáo dục cao đẳng đại học mà coi nhẹ giáo dục phổ thông, tuy rằng tại các vùng nghèo thì số học sinh thi vào đại học rất ít.

Tóm lại, cuốn sách của bà Hillary Clinton muốn nói lên một quan điểm: nuôi dạy trẻ em là vấn đề căn bản nhất của một dân tộc, một quốc gia; Nhà nước và xã hội cần tập trung công sức vào vấn đề này, chớ nên khoán trắng cho gia đình.

Trong thực tế, nền giáo dục phổ thông ở Mỹ hiện nay còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng tuy giáo dục đại học của họ đứng đầu thế giới – điều đó cho thấy lý luận giáo dục của Hillary Clinton rất đáng để người Mỹ cũng như chúng ta suy ngẫm.

Chú thích:

1. Thuyết này được trình bày trong sách The Bell Curve: Intelligence and Class Structure in American Life. Tác giả: Richard Hernnstein (nhà tâm lý, giáo sư ĐH Harvard) và Charles Murray (nhà chính trị học). Trong sách có đưa ra quan điểm: IQ của người da đen bằng 85% của người da trắng, và tỷ lệ nghịch với chiều dài cái penis của họ. Chủ nhân giải Nobel 1962 James Watson (nổi tiếng về thành tích đồng khám phá cơ chế gene) do tán thành thuyết này mà bị lên án mạnh, vì thế năm 2007 phải từ chức giám đốc Cold Spring Harbor Laboratory.

2. Mathew Effect: hiệu ứng có vẻ nghịch lý “Đã giàu thì càng giàu, đã nghèo thì càng nghèo, đã xấu thì càng xấu …” (The rich get richer and the poor get poore …), do nhà xã hội học Robert K. Merton đưa ra, lấy tên từ Phúc Âm Matthew trong Kinh Thánh.

3. Pierre Bourdieu (1930-2002): nhà xã hội học, triết gia, viện sĩ Pháp, viết nhiều về vấn đề tích lũy vốn văn hóa.

(Lược trích từ Báo điện tử Tia sáng)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật