Đằng sau quyết định tăng giá NDT của Trung Quốc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về cơ bản, khi đồng NDT mạnh lên, nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ rẻ đi; các doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa nước ngoài hơn, làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu.
Đằng sau quyết định tăng giá NDT của Trung Quốc
Trung Quốc đã sử dụng việc tăng giá NDT như một chiêu bài ngoại giao

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Canda, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố gia tăng tính linh hoạt tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT), đồng thời điều chỉnh tỷ giá NDT/USD ngày 22-6 tăng 0,43 % so với trước đó một ngày, lên mức 1 USD ăn 6,83 NDT. Giới phân tích cho rằng đây là một quyết định nằm trong việc điều chỉnh sách lược ngoại giao của Bắc Kinh.

 Lá bài ngoại giao quan trọng

Quyết định của Trung Quốc thực tế không đơn giản là một sự kiện ngẫu nhiên mà là sự kiểm nghiệm và điều chỉnh sách lược ngoại giao sau một quá trình dài. Qua quyết định “gia tăng tính linh hoạt tỷ giá đồng NDT” có thể thấy Bắc Kinh đã cảm nhận sức ép của cộng đồng quốc tế và sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách kịp thời, tránh trở thành mục tiêu tấn công của cả thế giới mà mất đi những hành động sáng suốt.

Trong bối cảnh điều chỉnh tỷ giá đồng NDT đang là tiêu điểm của cả cộng đồng quốc tế, quyết định trên của Bắc Kinh đã nhận được sự đánh giá cao. Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng đây là một quyết định giúp khôi phục kinh tế toàn cầu, còn Tổng thống  Pháp Nicolas Sarkozy miêu tả đây như một “tin vui cho mọi người”, trong khi các nước lớn khác cũng bày tỏ sự hoan nghênh với động thái mang tính “trách nhiệm quốc tế” của Trung Quốc. Đây rõ ràng là một sự điều chỉnh có tính toán kỹ càng của Trung Quốc và Bắc Kinh dường như đã thực hiện một “nước cờ khôn ngoan” trong việc thể hiện vai trò quốc tế của mình.

Có thể dự báo rằng tuyên bố trên của Bắc Kinh cũng sẽ chỉ là “một trò diễn lớn” đối với đồng NDT. Tính linh hoạt tỷ giá đồng NDT không có nghĩa là sự tăng giá trị đối với tất cả các mặt hàng, càng không có nghĩa là một sự tăng giá lớn của Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Trung Quốc suốt hai năm liền thực hiện chính sách đồng NDT “gắn chặt” đồng USD. Nay Bắc Kinh đột ngột thực hiện tính linh hoạt đồng NDT có nghĩa rằng đồng tiền này một lần nữa tách khỏi đồng USD, quay trở lại chế độ tiền tệ cả rổ. Trên thực tế, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) Châu Tiểu Xuyên hồi tháng 3 vừa qua từng chỉ rõ, việc đồng NDT gắn chặt với đồng USD là một “chính sách đặc biệt”, mục đích chỉ để Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới, sau đó chính sách này sẽ được dỡ bỏ. Điều này chứng tỏ không cần áp lực từ bên ngoài, Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ cải cách tỷ giá đồng NDT. Việc tuyên bố cải cách tỷ giá đồng NDT trước thềm Hội nghi thượng đỉnh G20 rõ ràng là một “chiêu bài ngoại giao” của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã tính toán kỹ lưỡng
trước khi điều chỉnh tỷ giá NDT

Tác động của việc đồng NDT mạnh lên

Theo giới chuyên gia tài chính, Trung Quốc sẽ không từ bỏ cơ chế ấn định tỷ giá chỉ vì sức ép bên ngoài, chẳng hạn sức ép từ Mỹ, mà chỉ làm việc này khi các nhà hoạch định chính sách trong nước cho rằng điều đó mang lại lợi ích quốc gia. Mặc dù nhận định này không hoàn toàn chắc chắn, nhưng sức ép lạm phát sẽ buộc Trung Quốc phải làm như vậy. Đồng NDT lên giá sẽ là một công cụ hiệu quả giúp kiềm chế lạm phát trong nước, thay vì phải áp dụng các quy định ngặt nghèo đối với hệ thống ngân hàng như Trung Quốc phải làm trong thời gian qua. Trên thực tế, gần đây Trung Quốc đã tiến hành nhiều nghiên cứu về những tác động có thể đối với nền kinh tế trong nước một khi đồng NDT lên giá.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì cơ chế neo giá bằng cách mua vào đồng USD trên thị trường mở nhằm “ấn định” giá trị của đồng NDT với đồng USD. Nếu cho phép đồng nội tệ được dao động với biên độ lớn hơn, Trung Quốc sẽ hạn chế mua vào đồng USD và nhờ đó đồng USD có thể sẽ giảm giá so với đồng NDT hay nói cách khác, đồng NDT sẽ lên giá tương đối so với đồng USD.
NDT sẽ lên giá tương đối so với USD

Tỷ giá hợp lý duy nhất sẽ là tỷ giá do thị trường tự do quyết định. Trong tương lai gần, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ không áp dụng ngay cơ chế tỷ giá thả nổi, nhưng việc nới rộng biên độ giao dịch là một bước đi đáng hoan nghênh.

Về cơ bản, khi đồng NDT mạnh lên, nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ rẻ đi; các doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa nước ngoài hơn, làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu. Các đồng tiền của các nước và khu vực sẽ được lợi khi Trung Quốc nới lỏng biên độ giao dịch đồng NDT sẽ là Australia, New Zealand, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.

Trung Quốc cho phép đồng NDT lên giá, giá hàng hóa sẽ trở nên rẻ hơn khi định giá bằng đồng tiền này, làm tăng sức mua của Trung Quốc. Như vậy khả năng mức cầu về hàng hóa nói chung sẽ tăng lên. Trong khi giá hàng hóa sẽ rẻ hơn khi được mua bán bằng một đồng NDT đi lên, thì các mặt hàng này lại đắt hơn khi định giá bằng đồng USD. Các quan chức Mỹ dường như không quan ngại lắm về tình trạng lạm phát hàng hóa, bởi họ cho rằng kinh tế Mỹ hiện không còn phụ thuộc vào giá cả hàng hóa như trước nữa. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa sẽ vẫn có những tác động đối với kinh tế Mỹ. Dưới góc độ kinh tế Mỹ hiện nay, đồng NDT lên giá chắc chắn sẽ gây ra sức ép lạm phát.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật