Bom đạn Mỹ không phải lời giải hoàn hảo cho bài toán Iran

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người dân Iran hôm nay kỷ niệm ngày đánh dấu sự thất bại thảm hại của Washington trong chiến dịch quân sự nhằm cứu con tin Mỹ tại Tehran trong bối cảnh người Mỹ đang lưỡng lự về giải pháp quân sự dành cho Iran.
Bom đạn Mỹ không phải lời giải hoàn hảo cho bài toán Iran
Mỹ nôn nóng muốn giải cứu con tin tại Iran.

‘Vuốt đại bàng’ chịu thua

Ngày 4/11/1979, thời điểm cách mạng Hồi giáo Iran bùng nổ, các sinh viên tham gia cách mạng Iran tấn công đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ 65 nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin.

Sau 5 tháng thương lượng không kết quả, Chính phủ Mỹ quyết định sử dụng biện pháp quân sự để giải cứu con tin. 19h30 ngày 24/4/1980, nhóm trực thăng gồm 8 chiếc RH-53D bắt đầu cất cánh từ tàu khu trục USS Nimitz, dàn ra tại biển Arab và nhắm thẳng về hướng sa mạc Iran, nơi có điểm tiếp nhiên liệu mang mật danh Desert One (Sa mạc 1).

Cùng lúc, 6 máy bay vận tải C-130 Hercule cũng cất cánh. Với tầm bay khoảng 3.300 km, C-130 thừa sức lọt vào Iran từ một căn cứ quân sự của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập nhưng để giữ bí mật tuyệt đối, Lầu Năm Góc quyết định cho C-130 cất cánh từ một khu trục nằm ngoài biển Arab. Không một nước đồng minh nào của Mỹ được thông báo về vụ đột kích này.

Kế hoạch dự tính như sau: khi nhóm thứ nhất ổn định tại Desert One, nhóm thứ 2 gồm lực lượng đặc nhiệm Delta Force sẽ hạ cánh tại một địa điểm gần Damavand - thị trấn vùng núi cách Đông Bắc Tehran khoảng 80 km. Sau đó, cả hai nhóm sẽ đột nhập vào Teheran bằng xe tải do CIA (lọt vào Iran trước đó) cung cấp. Các xe tải này được sơn theo giống xe quân đội Iran và mang biển số Iran.

Trạm dừng đầu tiên là một nhà kho ở ngoại ô Teheran và nhóm giải cứu được phác họa ngắn gọn về tình trạng mới nhất bên trong tòa đại sứ (số lính bảo vệ, số vũ khí và vũ khí loại gì...). Ngoài ra, trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cung cấp bản đồ của từng dinh thự bên trong tòa đại sứ, chỉ rõ vị trí của hệ thống điện và điện thoại. Khi đến tòa đại sứ, một đội Delta Force sẽ vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ bằng hơi gây mê, trong khi đó, một đội khác sẽ dẫn các con tin ra sân vận động và bãi đỗ xe nằm trong khuôn viên tòa đại sứ. 

Lúc này, nhóm trực thăng sẽ hạ cánh xuống sân vận động để chuyển các con tin đi ngay. Mọi chuyện phải làm thật nhanh, nhịp nhàng, chính xác, không cho quân đội và cảnh sát Iran kịp phản ứng. Tuy nhiên, có ai ngờ rằng... chiến dịch mệnh danh “Vuốt đại bàng” của Washington thất bại thảm hại.

Khi vào không phận Iran khoảng 120km, một trực thăng buộc phải hạ cánh ngoài ý muốn vì trục cánh bị hỏng. Phi hành đoàn vội vã lấy tất cả tài liệu mật và lên một trực thăng khác để có thể đến được Desert One. Mới bay được nửa đường, đội trực thăng lại gặp một sự cố nghiêm trọng hơn, khi bị tấn công bởi trận bão cát kinh khủng với đám mây bụi rộng 320km và cao khoảng 1.800 m. Khi vượt qua trận bão này, một trực thăng bị hỏng radar và buộc phải quay về tàu khu trục USS Nimitz.

6 trực thăng còn lại đến Desert One (chậm hơn 85 phút so với kế hoạch), chiếc C-130 đang đợi sẵn. Lúc này, một trực thăng nữa bị phát hiện hỏng. Đội trực thăng như vậy chỉ còn lại 5 chiếc, không thể thực hiện kế hoạch như đã định. Nhóm sĩ quan trực tiếp tham gia chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” tại Desert One đề nghị hủy bỏ chương trình tấn công.

Lời đề nghị được gửi về trung tâm chỉ huy ở Washington và chuyển đến Tổng thống Carter qua Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown. 3h15 ngày 25/4/1980, Tổng thống buộc phải ban lệnh hủy bỏ chiến dịch. Sự việc kết thúc ngày 19/1/1981 khi hiệp định Alger được ký kết vào những ngày cuối cùng của “triều đại” Carter. Mỹ cam kết không bao giờ can thiệp “trực tiếp hay gián tiếp bằng chính trị hay quân sự vào nội tình Iran”.

Lịch sử có lặp lại?

30 năm sau ngày thất bại, Washington dường như lại tính đến khả năng dùng súng đạn để giải quyết bế tắc hạt nhân. Giữa tháng 3, cả thế giới giật mình khi xuất hiện thông tin Mỹ vận chuyển hàng trăm quả bom phá boongke từ California tới đảo di‌ego Garcia của Anh trên Ấn Độ Dương, chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran và các máy bay ném bom của Mỹ đã sẵn sàng để tiêu diệt 10.000 mục tiêu ở Iran trong vòng vài giờ.

Theo tin này, hồi tháng 1/2010, Chính phủ Mỹ ký hợp đồng vận chuyển 10 container đạn dược tới đảo này. Bản kê hàng hoá bao gồm 195 quả bom "dẫn đường thông minh" loại Blu-110, 192 quả bom hạng nặng loại Blu-117 dùng để phá huỷ những cơ cấu bọc thép hoặc ngầm dưới lòng đất.

Mỹ đang tính đến một cuộc tấn công quân sự Iran.

Mới đây, Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy trung ương Mỹ công khai loan báo đang cập nhật kế hoạch quân sự tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran nhằm chuẩn bị những phương án mới nhất và tốt nhất để Tổng thống Mỹ Obama chọn lựa một khi ông quyết định hành động.

Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ lần đầu tiên nhận định rằng, tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ là "bước tiến xa" trong việc trì hoãn chương trình làm giàu uranium của nước này.

Báo giới phương Tây nhận định, sở dĩ Mỹ phải tính đến một giải pháp quân sự đối với Iran bởi nhìn chung, trong bức tranh chính trị ở Trung Đông hiện nay, Mỹ không thể tìm được bất cứ nhân tố nào có thể giúp kiềm chế Iran.

Đối trọng lịch sử với Iran là Iraq đang suy yếu và chia rẽ. Arab Saudi, dù có vũ khí tinh vi và hiện đại nhưng khả năng quân sự hạn chế không thể hoạt động quân sự bên ngoài đường biên giới của nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ, một nước mạnh trong khu vực, về lý thuyết có thể hỗ trợ mạnh cho Mỹ nhưng lại đang tập trung vào chương trình chính sách đối ngoại khác và không thể giúp Mỹ vào thời điểm này. Afghanistan không thể tự cứu được mình, còn Pakistan đang phải chiến đấu với quân nổi dậy Hồi giáo trong nước.

Trong khi đó, gói trừng phạt thứ 4 của Liên Hiệp Quốc vẫn treo lơ lửng bởi Nga và Trung Quốc vẫn chưa đồng ý. Nga muốn Mỹ tiếp tục sa vào vũng lầy này bởi lẽ mỗi ngày sa lầy của Mỹ ở Trung Đông là mỗi ngày Nga nổi lên ở không gian Liên Xô trước đây mà Mỹ chỉ còn ảnh hưởng ở  mức thấp nhất. Trung Quốc, phụ thuộc vào Iran về dầu lửa cho nền kinh tế bùng nổ của mình cũng muốn kéo dài cuộc thương lượng về các biện pháp trừng phạt Iran càng lâu càng tốt. Ngoài ra, Iran còn là “con bài”để Bắc Kinh “mặc cả” với Washington.

Tuy nhiên, trước những thông tin dồn dập về một kế hoạch tấn công Iran của Mỹ, cộng đồng thế giới một lần nữa tỏ ra quan ngại. Khả năng về một thất bại thứ 2 sau 30 năm không phải không thể xảy ra. Một số chuyên gia khẳng định, Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại lớn nếu khai hỏa. Hạm đội 5 của Mỹ có tổng hành dinh tại Bahrain, một quốc gia nhỏ bé nằm đối diện với  Iran tại vịnh Ba Tư, hoàn toàn có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa không đối biển của Iran.

Giới tình báo Tây Âu cho hay, Iran bố trí xong lực lượng tên lửa hành trình đủ mạnh để tiêu diệt phần lớn hoặc toàn bộ hạm đội 5 của Mỹ nằm trong tầm phóng. Căn cứ của Hạm đội 5 chỉ cách bờ biển Iran 150 hải lý và do đó nó dễ dàng bị các tên lửa thế hệ mới của Iran tấn công. Vả lại, bất kỳ tàu chiến nào của hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực tiếp giáp vùng vịnh Ba Tư đều gặp khó khăn khi tác chiến và nằm trong khoảng cách gần các bờ biển lô nhô đá hình răng cưa của Iran, dọc theo vịnh Ba Tư đến tận biển Arab. 

Vì vậy, theo nhiều nhà phân tích, dù con đường ngoại giao không tìm được lối thoát nhưng việc sử dụng vũ lực cũng không phải là “sự lựa chọn hoàn hảo”. Bài học kinh nghiệm của 30 trước vẫn còn nguyên vẹn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật