Trai nhảy lướt sàn cùng quý bà

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các chàng trai dẫn nhảy đi vòng quanh bàn uống nước, đưa tay mời một cách điệu nghệ những quý bà vào sàn nhảy. Nhạc vang lên, từng cặp cuốn vào trong điệu valse lả lướt, bản tăng-gô, cha-cha-cha cuồng nhiệt. Tiêu chuẩn làm trai nhảy tại các sàn cổ điển ở Hà Nội là hình thể đẹp, cao trên 1,7 m.
Trai nhảy lướt sàn cùng quý bà
Ảnh minh họa

15h30, F.Club (phố Huế, Hà Nội) mới bắt đầu mở cửa cho buổi khiêu vũ quốc tế chiều. Khác hẳn với không khí oi bức bên ngoài, trong câu lạc bộ mát lạnh, bàn ghế xếp vòng tròn xung quanh sàn nhảy. Một quý bà khoảng hơn 50 tuổi, váy dài, xếp bèo từng tầng màu đen vội vàng theo thang máy lên tầng 3. Vừa sà vào bàn, nhờ ánh đèn điện mờ ảo trong sàn, chị tranh thủ đánh chút phấn, tô chút son.

Đánh phấn xong, quý bà tên Yến chỉnh lại chiếc nơ đỏ cho cân với mái tóc uốn cong cong, xoăn xoăn, bồng bềnh. Bên cạnh chị đã có rất nhiều quý bà khác đang trong tư thế sẵn sàng nhập cuộc nhảy. Điệu valse cất lên. Trước đó vài phút, hơn chục trai dẫn nhảy đứng tụ tập ở giữa sàn. Lần lượt, giống như quen thuộc, từng chàng giơ tay mời các quý bà điệu nhảy đầu tiên.

Chị Yến, là khách thường xuyên của F.Club. Lần nào qua nhảy ở đây, chị Yến cũng chọn anh chàng dẫn nhảy đeo kính cận. Chị bảo, cậu ấy thư sinh, nhẹ nhàng, và luôn tận tình hướng dẫn mỗi khi chị bước sai nhịp. Hầu hết khách đến đây toàn U40 hoặc U50. Họ nhảy liên tục hơn chục bản, như không còn để ý đến không gian xung quanh.

Chị Lan, 35 tuổi, người cao ráo, bán hàng ngay trong chợ Hôm ngày nào cũng có mặt tại câu lạc bộ. Chị nói, mới đầu vào đây cũng ngại vì không biết nhảy. Nhưng cô bạn bán hoa quả cùng chợ rủ bỏ ra một tháng để học các điệu nhảy cổ điển cơ bản. Dần dà vào nhảy trong sàn riết thành quen, một điệu có thể "dùng" cho tất cả các thể loại khác.

Trai nhảy thu nhập bạc triệu mỗi tháng

Trai dẫn nhảy của F. Club có cả sinh viên, người đi làm hay đang thất nghiệp. Tiêu chuẩn để được nhận vào đây không khó lắm, chỉ cao từ 1,7m trở lên. Giống như những sàn nhảy cổ điển khác tại Hà Nội, sàn này mở cửa 3 buổi/ngày, tùy vào thời gian có mà người dẫn nhảy làm 1 ca (2 tiếng), hoặc 2 ca, 3 ca một ngày.

Dạo trước, sàn D. (phố Tăng Bạt Hổ) do anh Bình quản lý nhận cả sinh viên làm trai dẫn nhảy. Nhưng anh cho biết, hiện câu lạc bộ chỉ nhận những người không còn vướng víu đến chuyện học, hoặc đã học xong. Để làm tại câu lạc bộ, mỗi thí sinh phải đóng 500.000 đồng cho một lớp đào tạo học nhảy. Những người đã biết nhảy cũng phải nộp từng đó tiền. Anh Bình giải thích rằng số tiền đó phục vụ cho việc dạy nhảy theo quy định của câu lạc bộ, còn để dạy trai dẫn nhảy nội quy, nguyên tắc làm việc tại đây.

Trong khi lương trả cho nhân viên dẫn nhảy của sàn D. là 250.000 đồng một ca thì ở câu lạc bộ Khiêu vũ cổ điển của chị Đỗ Thị Thanh Quang (giám đốc câu lạc bộ) trả từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu đồng một tháng. Sự khác biệt này là do cách quản lý của mỗi câu lạc bộ không giống nhau.

Anh Bình nói, số tiền trai dẫn nhảy nhận một tháng tuy ít nhưng các em còn nhiều "khoản thu" khác, chẳng hạn như tiền "boa" của khách nhảy. Ngay như một nữ nhân viên pha chế tên Lợi của sàn D. cũng thẳng thắn: "Tiền lương nhảy đáng gì, các anh ấy còn có khoản thu ngoài luồng chứ. Nếu không có mà chết à, bởi vì em biết nhiều anh phải sống nhờ công việc này".

Phía câu lạc bộ Khiêu vũ cổ điển trả lương cho nhân viên cao như vậy là bởi, câu lạc bộ nghiêm cấm trai dẫn nhảy nhận tiền "boa" từ khách đến nhảy. Nếu ai bị phát hiện tại trận, nhận "boa" hoặc khách phản ánh trai dẫn vòi vĩnh, quản lý câu lạc bộ sẽ cho thôi việc.

Tiền boa tỷ lệ thuận với "nhiệt tình"

Quy định là vậy nhưng không phải lúc nào manager sàn cũng sát kè bên đội ngũ này để theo dõi. Chị Lan, bán hàng ở chợ Hôm nói: "Tôi cũng thỉnh thoảng sang bên D. nhảy. Nói chung là trai dẫn nhảy đẹp hơn. Nhưng mình quen nên cũng không muốn đi xa xôi, còn bận bán hàng mà. Bọn bạn tôi đến D. hay "boa" 50 hoặc 100 nghìn cho các em. Tôi nghĩ chuyện đó để khích lệ họ làm việc dẫn nhảy tốt hơn, nhiệt tình hơn, chứ nhiều nhặn gì".

Với chị Yến không ngại ngần khi dúi vào tay người dẫn nhảy của mình vài chục nghìn. Chị tâm sự: "Tôi cũng biết lương các bạn nhận không nhiều. Mọi người đến đây tầm tuổi tôi ai chẳng làm vậy". Việc này gần như là một trào lưu trên các sàn nhảy cổ điển tại Hà Nội. Đa số các chị, các cô đến những nơi này cho biết "boa" trai nhảy chủ yếu là vì để thưởng cho sự nhiệt tình của họ.

Manager chỉ quản họ trên những giờ làm tại câu lạc bộ. Lợi, nhân viên pha chế của D., cho biết, thực tế có một số người làm ở đây đi chơi với khách. Như Lợi biết, đa số trai dẫn nhảy đều kiếm tiền bằng con đường này mới sống được nơi Hà Thành. Cả chuyện khách nhảy có nhã ý mời đi cafe, tâm sự, trai dẫn nhảy cũng sẵn sàng phục vụ luôn.

Anh Phạm Thanh Tùng (6 năm dẫn nhảy tại D.) nói, mặc dù được khách tặng cho thứ này, thứ khác nhưng không có nghĩa như vậy trở thành "tra‌ּi ba‌ּo". Chỗ anh làm vài cậu sinh viên mới đầu cũng "đi khách" ngầm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật