Thóat một kiếp người (Phần cuối)

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bà Hai thở dài và lắc đầu: ”Chuyện dài lắm cháu à, rồi cháu sẽ hiểu. Nhưng cháu đừng nói với ông cụ là bà Hai đi gọi chúng nó về nhà nghe, ông cụ sẽ trách bà đó…”.
Thóat một kiếp người (Phần cuối)
Ảnh minh họa

Câu chuyện gián đoạn vì có một chiếc xe hơi đỗ trước nhà. Bước xuống xe là một người đàn ông trung niên độ chừng 41, 42 tuổi, dáng đi khá bệ vệ, sơ mi dài tay cài măng-sết, đôi giày da nện những bước lộp cộp, và nhìn từ xa tôi cũng biết đó là hàng hiệu. Cặp mắt kiếng trắng, gọng platin càng làm tôn thêm vẻ khinh khỉnh “VIP” của người đàn ông này. Tôi thầm nghĩ, chắc là quan chức to lắm đây…Bà Hai nháy mắt rồi nói nhỏ với tôi: ”Con trai cả đấy cháu ạ, nghe nói đâu làm Tổng Giám Đốc công ty xuất nhập khẩu nào lớn lắm…”.

Hình ảnh: Deviantart

Một lúc sau, thì hai cô con gái đến. Một cô đến bằng taxi, còn cô nhỏ tuổi hơn (có lẽ là út) do chồng chở đến. Họ đi thẳng vào nhà và bắt đầu họp gia đình.

Anh bấm tay tôi ra hiệu đi về. Tôi ngầm hiểu ý anh, một phần anh thấy tôi đã thấm mệt cả ngày, một phần con cái ông bà cụ đã về đủ, và nhìn vẻ bên ngoài của họ, chúng tôi an tâm là họ có quá thừa sức để lo đám tang cho mẹ mình…

Sáng hôm sau, công việc dồn đống mấy ngày liền, tôi chạy vào công ty giải quyết cho xong. Chiều tan sở, chạy xe đến viếng bà cụ, nhưng nhà cửa khoá lạnh tanh, chẳng thấy có đám tang gì cả. Chạy qua nhà bà Hai, cũng không thấy bà Hai đâu. Hỏi thăm mấy bác gần đó, thì mới biết gia đình đang quàn linh cữu của bà cụ ở chùa X, còn cụ ông đêm qua thì được chở đi cấp cứu vì bất tỉnh…

Hẳn là ông quá xúc động và đau thương nên mới ra nông nỗi này. Hai con chim già bao năm cùng hẩm hiu, rau cháo; nương dựa với nhau để cùng vui sống, giờ thì con chim mái già đã ngã gục, …

Lúng túng quá, chẳng biết đến nơi nào trước? Hay mất bình tĩnh và rối lên mỗi khi có những biến cố xảy đến dồn dập, đó là cái dở nhất của tôi từ trước đến giờ. Điện cho anh hỏi ý kiến, anh bảo tôi nên chạy vào viện trước để xem ông cụ thế nào đã rồi tính tiếp.

Đến khoa hồi sức đặc biệt, lớ ngớ muốn tìm y tá để hỏi thăm về ông cụ Tình, may sao bà Hai thấy tôi nên chạy tới. “Ông sao rồi bà? Chuyện gì vậy? Sao bà không điện cho con hay?...” Tôi hỏi dồn dập mà chẳng đợi bà Hai trả lời. Bà quệt nước mắt, nói là tại bà hết, tại bà báo tin cho mấy đứa con của ông cụ về nên mới xảy ra chuyện…

Hình ảnh: Deviantart

Lúc vợ chồng tôi về, bà Hai ngồi ở ngoài sân và nghe mấy anh em nhà họ bàn với ông cụ về đám tang. Họ bảo ông là quàn xác bà ở chùa và làm đám tang ở đó, vì nhà cửa quá chật chội, trong khi khách khứa của họ đến viếng sẽ là vài trăm người, chổ đâu mà đón tiếp. Ông thì nhất quyết không chịu, vì tâm nguyện của ông là để bà nằm ở nhà thêm vài ngày nữa cho bà ấm cúng, rồi ra đi thanh thản. Thuyết phục ông mãi không được, mọi người bắt đầu lớn tiếng dần, và người con trai cả lên giọng: ”Thế ông muốn bôi tro trát trấu vào mặt chúng tôi khi khách đến nhà như thế này à?”. Quá uất ức, ông cụ bật dậy và gào lên: ”Cút, cút hết ra khỏi cái nhà này ngay. Tao và mẹ chúng mày không cần, cút, cút đi…”.

Bà Hai chạy vào nhưng không kịp nữa, ông đã ngã khụy nằm bất động giữa sàn nhà…

Rồi họ gọi xe đưa ông vào bệnh viện. Bà Hai nóng ruột nhảy lên theo xe cấp cứu. Đến viện họ làm thủ tục, đóng tiền ứng viện phí, đưa cho bà thêm ít tiền và nhờ bà ở lại trông chừng ông, còn họ phải quay về nhà để lo đám tang.

Bà Hai kể là sáng nay chẩn đoán, bác sĩ nói tình hình ông đang rất xấu, hôn mê sâu vì xúc động quá mạnh dẫn đến tai biến mạch máu não…

Bà Hai lại khóc giàn giụa trong sự hối hận vì đã gọi con ông bà cụ về nhà lúc này. Bà kể, cách đây hơn chục năm, ba đứa con của ông bà cụ Tình bắt đầu ăn nên, làm ra. Sau khi tốt nghiệp đại học vài năm, đứa nào cũng thành đạt. Bà nói, cơ ngơi chúng nó bây giờ mỗi đứa ít nhất cũng dăm ba căn nhà, lại thêm quyền cao chức trọng…

Chẳng biết ba anh em chúng nó bàn bạc với nhau thế nào, rồi một hôm chúng bảo bà cụ đừng bán xôi nữa, ông bà bán nhà chia tiền cho con cháu, rồi muốn về sống với vợ chồng đứa nào cũng được. Mỗi tháng, ba anh em chúng nó sẽ góp tiền với nhau để nuôi ông bà đến già, đến chết… Tội tình gì mà phải bán từng gói xôi, cực khổ, chẳng được bao tiền.

Vốn là nhà giáo về hưu, ông cụ buồn chẳng nói gì, vì tủi thân khi nghĩ đến một thúng xôi của bố mẹ có thể nuôi nổi ba đứa con nên người, vậy mà bây giờ thành đạt, chúng nó lại phải ba đứa mới góp nổi tiền để nuôi ông bà…

Thuyết phục ông không được, thằng anh phân công hai đứa em gái tranh thủ tình cảm với bà. Hai đứa con gái dạo đó ngày nào cũng rất chăm thay phiên nhau sang thăm mẹ. Khi thì mang cho bà mấy hộp bánh, lúc thì giỏ trái cây… Rồi chúng bắt đầu than vãn, đang kẹt tiền làm ăn, mà lỡ cơ hội thì người khác chộp mất để thuyết phục bà chịu bán nhà chia cho chúng nó. Bà Hai chua chát kể, căn nhà lúc đó chỉ 3 x 16 m, lụp xụp nhưng vì là đất mặt tiền ở trung tâm, nên giá lên đến hơn cả trăm cây vàng.

Vốn chất phác, hiền lành, lại thương và tin con, nên bà năn nỉ ông. Ông dứt khoát phản đối, phân tích mọi điều cho bà nghe, ai cũng giữ lập luận của mình, chẳng ai chịu ai, rồi ông bà giận nhau suốt mấy tháng trời cũng chỉ vì chuyện này. Hai người vẫn ở chung trong căn nhà đó, nhưng ông buồn và quyết định ăn riêng. Lương hưu còm cõi, chỉ thỉnh thoảng có thêm nhuận bút của mấy bài báo được đăng, ông đã sống lây lất như vậy trong những ngày ấy…

Mấy đứa con thấy vậy, liền tận dụng ngay cơ hội, xúi mẹ đâm đơn ly dị, bán nhà chia làm đôi, rồi mẹ về ở với chúng con… Đến lúc này, bỗng dưng bà hoảng và chùn lòng. Làm sao bà có thể sống xa ông được suốt với ngần ấy năm trời ông bà đã cùng chia sẻ với nhau biết bao cay đắng ngọt bùi trên mảnh đất Sài Gòn – quê hương thứ hai này? Bà đã khóc biết bao đêm khi thấy ông ngày ngày chỉ ăn một ổ bánh mì không buổi sáng, và một tô mì gói trước lúc đi ngủ mỗi đêm. Bà đã cố gắng làm lành, nấu cơm nước mời ông ăn, nhưng ông vẫn không hề đụng tới. Bí quá, bà đành phải nhờ đến bà Hai nói vào với ông. Cũng may, rồi mọi chuyện đâu vào đó như cũ.

Không đạt được mục đích, hai đứa con gái tức tối, trở mặt với mẹ ngay tức thì, trách móc bà đủ điều. Bà cay đắng ngẫm lại hoá ra ông lo xa thế mà đúng…Bà tức giận đuổi chúng ra về, cấm cửa, và cấm cửa luôn hẳn thằng con trai kể từ đó.

Bà Hai lại khóc, bà cứ nghĩ đơn giản “Nghĩa tử, nghĩa tận”, dù bao năm nay ông bà cụ có từ con, nhưng đằng nào chúng nó cũng là núm ruột, phải báo cho chúng biết để về đội tang. Bà không lường trước được mọi việc, bây giờ xảy ra lại càng rắc rối và thêm đau lòng.

Anh chở tôi đến viếng bà trong đêm đó. Tang lễ tại ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Sài Thành này. Ấm áp, và trang trọng thật sự với hơn trăm lẵng hoa tươi, khói hương nghi ngút… Thắp mấy nén nhang cho bà, tôi thầm khấn vái bà nếu linh thiêng, thì phù hộ cho ông sớm tỉnh lại…

Tôi và anh ngồi nán lại với mấy người hàng xóm của ông bà cụ một lát, kể cho họ nghe tình hình của ông bây giờ tại bệnh viện. Ai nấy cũng thở dài ngao ngán, rồi lặng lẽ vì cũng chẳng biết nói gì thêm bây giờ…

Một lúc sau, có một chị lên tiếng kể, hồi chiều mấy anh em nhà họ lại vừa gây gỗ với nhau sau lúc mấy đoàn khách viếng ra về. Họ cự nhau vì mấy phong bì phúng điếu, khách của họ, bây giờ không cánh mà bay…

Tôi chẳng hiểu gì, chả lẽ giữa nơi đám tang cũng có kẻ trộm cắp đến những vật này hay sao? Nghe chị giải thích xong, cả tôi và anh đều điếng người…

Thì ra, tối hôm qua, anh em họ thống nhất “kinh phí” đám tang sẽ chia làm 3 phần đều nhau, còn tiền phúng điếu thì khách của người nào, người đó lấy! Chả may, lo lạy lục thế nào, khách của ba người đến cùng lúc, rồi ai đó trong ba người tóm hết, thế nên mới có cái sự gây gỗ…

Anh chở tôi ra về, chẳng nói gì…

Còn tôi, tôi lại thầm lòng ước ngược lại với những điều mà tôi vừa khấn vái trước vong linh của bà: mong ông sẽ nhẹ nhàng ra đi cùng bà, càng sớm càng tốt, để đừng phải chứng kiến thêm những cảnh khốn nạn và ô trọc đến tận cùng này nữa…

Gửi từ Blog Mdleechen
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật