Điện: Đừng mơ chuyện giảm giá

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Thị trường điện không giống các thị trường khác nên giá điện không thể điều chỉnh theo thị trường. Làm như thế sẽ rối tung lên” - TS NGÔ TUẤN KIỆT, viện trưởng viện Khoa học năng lượng (viện Khoa học - công nghệ VN) nhận định. Ông Kiệt nói:
Điện: Đừng mơ chuyện giảm giá
Ông Ngô Tuấn Kiệt - Ảnh: Khiết Hưng

- Quan điểm của tôi không phải tính giá điện theo quý mà phải tính từng năm một. Nhà máy thủy điện thì lấy gì để nói đầu vào tăng hay giảm theo từng quý, có ai bán nước đâu để nói giá nước thay đổi? Nhà máy nhiệt điện thì làm sao có thể nói than thay đổi giá theo từng quý được. Tất cả hợp đồng mua đầu vào của nhà máy điện không phải mua một quý mà phải ký một năm, thậm chí nhiều năm, ví dụ điện hạt nhân ký hợp đồng mua trong mười năm.

Đầu vào của ngành điện không phải là những thứ lặt vặt trên thị trường. Không ai mua các thứ cho sản xuất điện lại mua từng ngày, từng tháng, từng quý cả. Chính vì thế không thể đặt ra việc các yếu tố đầu vào biến động thì điều chỉnh giá điện theo từng quý. Cả thế giới này chẳng có nước nào làm như vậy.

* Thưa ông, giả sử thực hiện điều chỉnh giá điện bán buôn theo cơ chế thị trường thì giá điện bán lẻ cho các hộ dân sẽ bị tác động thế nào?

- Chắc chắn sẽ tác động xấu vì giá bán buôn tăng thì giá bán lẻ phải tăng vì giá bán buôn và bán lẻ có quan hệ trực tiếp với nhau. Nếu tăng giá bán buôn mà không tăng giá bán lẻ thì ai bù lỗ? Nhà nước làm gì có tiền để bù lỗ? Vì vậy, thực chất của đề nghị tăng giá bán buôn là để kéo theo tăng giá bán lẻ.

* Nhưng giá điện theo cơ chế thị trường không chỉ tăng mà còn có giảm, nghĩa là người sử dụng điện cũng có lợi?

- Đấy là lý sự của người đề ra phương án đấy. Xăng từ khi theo cơ chế thị trường có giảm không? Họ giảm một chút sau khi đã tăng lên gấp rưỡi. Vì vậy, tôi khẳng định giá điện theo cơ chế thị trường thì chỉ có tăng vì không bao giờ giá bán than cho sản xuất điện giảm cả. Người dân nghe thì ai cũng có cảm giác: ừ thế thì mai giá đầu vào giảm thì tôi sẽ được hưởng giá điện giảm. Chẳng có chuyện đấy đâu, đó chỉ là mơ thôi.

* Dù sao bù lại người dân cũng được đảm bảo điện tốt hơn vì giá điện tăng nghĩa là nhà đầu tư sẽ bỏ vốn vào xây dựng nhà máy điện nhiều hơn?

- Nhà đầu tư có thể đầu tư ồ ạt vào phát triển nguồn điện vì người ta nghĩ rằng Nhà nước điều chỉnh giá theo quý thì giá chỉ lên là chính, không thể xuống được, kiểu gì cũng có lãi. Khi đó chi phí xã hội bỏ ra cho điện quá lớn, không cân đối với các ngành khác dẫn đến hệ lụy là tổng mức đầu tư sẽ nghiêng về điện mà không nghiêng về các ngành có lợi khác. Nhưng cũng có thể nhà đầu tư bảo “Ông nói thế chứ biết thế nào được”.

Hậu quả là thiếu điện sẽ vẫn xảy ra. Ông nào sản xuất kinh doanh mà chẳng muốn thị trường ổn định. Hệ lụy thứ hai nhiều khả năng xảy ra hơn vì người ta phải xem tình hình thế nào đã. Đấy là chưa nói nếu giá điện cứ thay đổi theo quý thì nhà đầu tư căn cứ vào cái gì để tính hiệu quả dự án? Luật quy định đầu tư một dự án phải tính xem dự án đó có khả thi về mặt tài chính không thì mới được duyệt. Nếu quý nào giá cũng thay đổi thì tôi chẳng biết tính dự án của tôi thế nào cả.

* Phương án giá điện như thế nào là hợp lý?

- Đầu tiên phải xác định giá thành sản xuất điện năng trung bình trong hệ thống điện năm nay bao nhiêu, năm sau bao nhiêu... từ đấy tính xem sang năm đưa vào bao nhiêu nguồn điện. Đấy là cái gốc để quyết định giá điện chứ không phải dựa vào biến động giá bên ngoài. Xác định được giá thành sản xuất điện trung bình trong hệ thống, chúng ta hoàn toàn có thể tính được giá điện từ nay đến năm 2020 và Nhà nước có lộ trình mua giá điện đấy. Giá điện phải xuất phát từ giá thành chứ không thể bảo bây giờ đầu vào tăng thì tôi phải tăng. Giá thành sản xuất điện không phụ thuộc đầu vào nhiều.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật