Nghệ An: Đi ngủ phải bịt khẩu trang vì...lợn!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm người dân bức xúc đã đập phá, ngăn cản xe chở thức ăn khiến lợn chết hàng loạt.
Nghệ An: Đi ngủ phải bịt khẩu trang vì...lợn!
Đàn lợn chết thảm vì người dân ngăn không cho thức ăn vào trại.

Được phê duyệt nuôi giới hạn 5.000 con/năm, thế nhưng, Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương (SJS) đã tự ý nâng lên thành 19.000 con/năm khi chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Môi trường ở đây bị huỷ hoại nghiêm trọng. Hàng trăm người dân bức xúc đã đập phá, ngăn cản xe chở thức ăn khiến lợn chết hàng loạt.

Mang khẩu trang đi ngủ
Những ngày này, hàng nghìn người dân ở xã Đại Sơn, Đô Lương đang hết sức bức xúc về việc môi trường sống bị Công ty SJS tàn phá. Năm 2004, Công ty SJS được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban đầu nuôi giới hạn 5.000 con lợn/năm. Ngay thời điểm đó, hệ thống xử lý không đáp ứng được lượng chất thải hàng ngày đàn lợn thải ra. Tệ hại nhất là khi hệ thống máy phát điện dùng khí biôgas bị hỏng, đường ống dẫn chất thải ra khu vực hố ga bị vỡ, làm cho nguồn nước và chất thải tràn xuống đập Chọ Ràn. Môi trường từ xóm 7 đến xóm 10 xã Đại Sơn bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.
Gần đây, công ty đã tự ý nâng công suất nuôi lên 19.000 con/năm khi chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt.  Môi trường sống của hàng ngàn hộ dân ở các xóm 7, 8, 9 xã Đại Sơn lại bị tàn phá nghiêm trọng hơn.
Ban đêm mất điện, nóng, nhưng dân phải bịt hết cửa rồi mang cả... khẩu trang để ngủ. Trẻ con phải cho đi "di tản" vì cứ ở nhà là ốm.
Chị Nguyễn Thị Tâm (ở xóm 9) nói: "Chúng tôi không những đối mặt với nạn ruồi nhặng, chuột mà còn khốn khổ hơn khi lượng phân xả ra quá nhiều khiến cá chết trắng mặt nước. Trồng lúa, lúa không trổ bông, có trổ thì chỉ trổ bông trắng, năng suất kém".
Gần hai năm trời, hàng nghìn hộ dân đã gửi đơn đi khắp nơi phản ánh, thế nhưng việc ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết. Chịu hết nổi, từ ngày 12 đến 14/6/2010, hàng trăm hộ dân các xóm 7, 8, 9 và 10 xã Đại Sơn đến ngăn cản không cho vận chuyển thức ăn vào trại; tổ chức san lấp hệ thống mương cấp nước, hố chôn cột điện 35KV vào trang trại; đập vỡ 17 tấm kính chống nóng cho lợn. Sau đó, họ kéo đến cổng ra vào trại không cho xe vận chuyển thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm khác vào trại. Do vậy, chỉ trong 6 ngày (từ ngày 13/6 đến 19/6/2010) đã có gần 1.000 con lợn chết.
Chính quyền bất lực
Trước đó, chính quyền xã Đại Sơn cũng đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu công ty khắc phục nhưng không có kết quả. Ngày 21/5, UBND huyện đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này với số tiền 22.850.000 đồng vì xả nước thải không có giấy phép. Nhưng đến nay, công ty vẫn chưa cải thiện được gì đáng kể.
Theo yêu cầu của dân, ngày 19/6, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty SJS; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT); Sở NN&PTNT; lãnh đạo UBND, MTTQ huyện Đô Lương và UBND xã Đại Sơn đã có buổi đối thoại trực tiếp với người dân. Tại đây, phía Công ty SJS và các cơ quan chức năng đều thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường (nhất là không khí, nguồn nước tưới cho nông nghiệp và nước ngầm) đáng báo động. Người dân đã đưa ra yêu cầu Công ty SJS phải có lộ trình cụ thể để di dời trại lợn giống ngoại Thái Dương ra khỏi địa bàn xã; giảm tải số lợn hiện có; tuyệt đối không được xả nước thải trực tiếp ra đập Chọ Ràn;  phải tổ chức nạo vét lòng hồ đập Chọ Ràn. Ngoài ra, phải tìm giải pháp thích hợp để xử lý nguồn nước ngầm cho người dân để có nước sinh hoạt...
Ông Võ Văn Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Nghệ An) cho biết: Ô nhiễm ở Trại lợn giống ngoại Thái Dương là ô nhiễm chất hữu cơ. Phía công ty cần xác định hướng xử lý, khắc phục. Trước mắt tạm thời đình chỉ việc xả nước thải ra môi trường, không được phép xả thải khi nước thải chưa đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, lây lan dịch bệnh và các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định. Bắt buộc ngày 30/8/ 2010 tới, công ty phải giảm công suất chăn nuôi theo đúng thiết kế đã đăng ký ban đầu là 5.000 con/năm.
Hứa với dân điều gì thì phải thực hiện nghiêm túc
"Công ty SJS phải áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo môi trường, không xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn vào môi trường. Tìm giải pháp để giảm tải đàn lợn hiện có trong trại. Hứa với dân điều gì thì phải thực hiện nghiêm túc. Về phía UBND tỉnh, sẽ hỗ trợ kinh phí để tổ chức nạo vét lòng hồ. Giao cho UBND xã và huyện làm hồ sơ để trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Vấn đề nước sạch cho dân Đại Sơn, UBND tỉnh sẽ giao cho Chương trình nước sạch và VSMT nông thôn làm dự án đầu tư trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ 60%, còn lại người dân đóng góp thêm. Về số hộ dân bị ô nhiễm,  tỉnh chỉ đạo UBND xã Đại Sơn và UBND huyện Đô Lương lập hồ sơ, tổ chức di dời theo hình thức xen kẽ trong địa bàn xã" - Ông Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật