Trung Quốc sẽ giã biệt “công xưởng thế giới“?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng thế giới”. Tuy nhiên, sự thật đó đang dần thay đổi, làn sóng tăng lương tại các doanh nghiệp ở khắp Trung Quốc đang khiến ưu thế lớn nhất của nước này mất dần.
Trung Quốc sẽ giã biệt “công xưởng thế giới“?
Nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc đang giảm dần - Ảnh: Reuters.

Trong bài “Hàng Trung Quốc sẽ hết thời giá rẻ”, tờ New York Times đã phân tích việc tăng lương công nhân đang diễn ra ở khắp Trung Quốc sẽ tác động tới giá thành sản phẩm. Cũng xuất phát từ vấn đề này, nhưng tờ Financial Times lại cung cấp một góc nhìn khác về những ưu thế đang mất dần của nền kinh tế được mệnh danh là “công xưởng thế giới”.

Trong phần lớn thời gian của thập niên vừa qua, Trung Quốc luôn là “công xưởng thế giới”. Điều đó là sự thật không thể tranh cãi. Nước này đã nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu ra khắp thế giới những sản phẩm giá rẻ.

Tuy nhiên, hiện ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, cùng với việc chi phí lương công nhân tăng lên khiến giá thành sản xuất tăng theo, những biến động về ngoại hối, có thể khiến lợi nhuận của các hãng sản xuất bị thu hẹp về con số không. Trung Quốc đang mất dần ưu thế lớn nhất, đó là nguồn nhân công giá rẻ.

Theo AlixPartners, hãng chuyên nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực thuê gia công, lợi thế của Trung Quốc trong một số lĩnh vực sản xuất đã giảm đi nhiều.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ do AlixPartners đưa ra cho thấy, trong thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, Trung Quốc, với tư cách là nước sản xuất linh kiện có giá thành thấp nhất thế giới, đã bị Ấn Độ và Mexico “qua mặt”.

Khoảng 3 năm trước, chi phí sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc thấp hơn Mexico 5%. Đến nay, chi phí này đã cao hơn tới 20% và Mexico đang trở thành trung tâm sản xuất mới hấp dẫn hơn Trung Quốc.

AlixPartners cho biết năm 2005, khi hàng sản xuất từ Trung Quốc cập cảng Mỹ, giá thành thấp hơn 22% so với chi phí sản xuất tại Mỹ. Vào thời điểm cuối năm 2008, khoảng cách giá cả này chỉ còn 5,5%, không đủ hấp dẫn để chuyển công việc sản xuất đi nửa vòng trái đất.

Yếu tố ảnh hưởng lớn tới sự thay đổi chi phí sản xuất là những biến động về tiền tệ và phí thuê nhân công. Từ cuối năm 2005, đồng Nhân dân tệ tăng giá 11% so với USD và lương lao động tăng với tốc độ từ 7% đến 8%/năm. Để giảm bớt ngành công nghiệp gây ô nhiễm, Chính phủ Trung Quốc ngừng áp dụng chính sách hỗ trợ thuế cho công ty xuất khẩu hàng công nghiệp nặng.

Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và xưởng may tại Trung Quốc đã đóng cửa. Dân nhập cư đến tìm việc tại đây lại ra đi. Các nhà sản xuất khẳng định rằng, giá nhiên liệu và năng lượng tăng khiến lợi nhuận của họ bốc hơi.

Việc đồng Nhân dân tệ tăng giá khiến giá các sản phẩm tăng lên tại các thị trường quan trọng như Mỹ. Khách hàng nước ngoài, vốn đã quen với đồ Trung Quốc giá rẻ và lo lắng về sự đình trệ kinh tế tại nước mình, không muốn trả thêm tiền.
 
Những vấn đề này đã tác động đến các doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc. Nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp đang cung cấp cho thị trường thế giới các sản phẩm giá rẻ - đồ chơi, đồ gia dụng, giày dép và quần áo.

Các nhà sản xuất này là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô sản xuất. Đến khi giá nhân công và nhiên liệu tăng, tiền Trung Quốc được giá, những doanh nghiệp này lại chính là nhóm ít được trang bị để chống đỡ lại những cú sốc nhất.

Cũng tương tự như Nhật Bản và 4 con rồng châu Á trước đây, cùng với việc đời sống sinh hoạt của người dân được nâng lên, Trung Quốc đang dần hướng lên giai đoạn phát triển cao hơn của chuỗi giá trị. Nhưng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy, trong tương lai không xa, tốc độ tăng lương sẽ vượt qua tốc độ nâng cấp kỹ thuật của nhiều doanh nghiệp.

Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu biện pháp giải quyết vấn đề chênh lệch thu nhập ở nước này, đồng thời coi đây là hạng mục ưu tiên trong kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 12. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, năm 2009, chênh lệch thu nhập giữa thành phố và nông thôn ở nước này đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 1978 tới nay.

Tháng trước, một quan chức công đoàn ở Trung Quốc đã cảnh báo, tỷ trọng tiền công lao động trong GDP của nước này đã giảm năm thứ 22 liên tiếp. Mức lương thấp, điều kiện lao động xấu đi và thời gian lao động kéo dài đang gây ra nhiều tranh chấp.

Theo quan chức này, “đây là một thách thức nghiêm trọng đối với ổn định xã hội ở Trung Quốc”. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp nâng cao mức lương tối thiểu ở đa số các trung tâm chế tạo chủ yếu.

Trong tháng 3, tỉnh Quảng Đông đã tuyên bố nâng thêm 20% lượng tối thiểu. Một phần 3 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được sản xuất tại tỉnh này. Quý 1/2010, 7 tỉnh thành bao gồm Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải… cũng đã nâng lương tối thiểu thêm 10 – 17%.

Bộ Tài nguyên con người và Phúc lợi xã hội Trung Quốc cho hay, năm nay sẽ còn có 20 tỉnh dự định nâng lương tối thiểu. Việc nâng lương không chỉ là để xoa dịu những bức xúc của người dân, mà còn để bảo đảm đủ sức lao động cho bộ máy hoạt động của ngành công nghiệp chế tạo lớn nhất toàn cầu.

Công nhân làm việc trong các nhà máy ở những thành phố duyên hải của Trung Quốc, phần lớn là đến từ các nơi tương đối nghèo khó hoặc từ các tỉnh phía tây, nhưng những năm gần đây, ngày càng nhiều hãng sản xuất chuyển hoạt động nghiệp vụ về nội địa để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và giảm bớt giá thành sản xuất.

Trong khi đó, phúc lợi ở các vùng nông thôn được cải thiện, giá nông sản tăng lên và gánh nặng thuế được giảm nhẹ, đã làm giảm bớt sức hấp dẫn của tỉnh Quảng Đông và những khu vực duyên hải khác trong việc thu hút người lao động.

Để thu hút lao động, Trung Quốc phải nâng cao tiền lương và cải thiện các điều kiện làm việc. Điều này cũng hấp dẫn công nhân các nước khác tới Trung Quốc làm việc. Ngày càng có nhiều công nhân nước ngoài tới làm việc ở các nhà máy phía nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc mới phải chịu áp lực tăng lương lao động, các khu vực khác ở châu Á cũng đang phải đương đầu với vấn đề này. Chính phủ các nước hy vọng, xu thế này sẽ giảm bớt chênh lệch giàu nghèo đang ngày một phình to, nhưng cũng lo ngại sẽ giảm bớt sức cạnh tranh trong thời kỳ toàn cầu hóa kinh tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật