Ham lao động giá rẻ: Coi chừng sa bẫy

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Doanh nghiệp Việt Nam đang chạy theo xu hướng chấp nhận tăng sản lượng bằng cách thâm dụng lao động với giá rẻ. Đây được cho là cái bẫy của chi phí lao động thấp mà khi sa vào, doanh nghiệp sẽ khó có cơ hội phát triển.
Ham lao động giá rẻ: Coi chừng sa bẫy
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang chủ yếu hoạt động gia công và tận dụng công nhân giá rẻ. Ảnh: Đức Long

Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2009-2010 do Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hôm qua.

Nghịch lý lao động

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đàm Hữu Đắc, Việt Nam hiện có nguồn lao động rất dồi dào nhưng chất lượng lại rất thấp so với các nước trong khu vực. Lực lượng lao động chủ yếu vẫn là lao động giản đơn khi có đến 65,3 % lao động không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào. Trong khi đó, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, song tạo việc làm lại rất hạn chế. Giai đoạn 2004- 2008, hệ số co giãn việc làm với GDP chỉ là 0,28%, tức 1% GDP chỉ tạo thêm 0,28% việc làm…

Ông Đắc cũng cho rằng, năng suất lao động là một trong những động lực then chốt để tăng trưởng kinh tế, đảm bảo duy trì mức tăng tiền công và đóng góp cho mục tiêu giảm nghèo. Từ năm 2000-2007, năng suất lao động Việt Nam đã tăng đáng kể với mức tăng trung bình hàng năm là 5,1%. Tuy nhiên, mức tăng này lại chưa bằng một nửa mức tăng năng suất lao động của Trung Quốc. Dựa trên chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2009-2010, Việt Nam xếp thứ 75/133 quốc gia về năng suất lao động, trong khi đó vị trí của Singapore là 3, Malaysia 24, Thái lan 36…

Theo dự báo, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên đáng kể giai đoạn 2010- 2015 với tốc độ tăng bình quân 1,5%/năm, tương đương 738.000 người. Xu hướng này sẽ tiếp tục tạo sức ép to lớn, đòi hỏi nền kinh tế phải tạo đủ cơ hội việc làm cho những người mới gia nhập lực lượng lao động.

Bản báo cáo về xu hướng lao động  cũng cho thấy, trong thập kỷ qua, Việt nam đã quá dựa vào giá nhân công rẻ để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và hướng tới xuất khẩu lao động như dệt may, giầy da, chế biến gỗ, điện tử, chế biến thủy sản… Xu hướng sử dụng lao động giá rẻ đã làm giảm những chi phí sản xuất, song những doanh nghiệp này sẽ lao đao khi đi ngược lại xu hướng quốc tế sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động có tay nghề cao.

Cần những "cú hích"

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, viện trưởng viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: “Tăng trưởng kinh tế hiện nay chưa dựa trên yếu tố tăng năng suất lao động, cải thiện trình độ tay nghề. Doanh nghiệp tăng sản lượng dựa vào việc sử dụng nhiều lao động; sản xuất được nhiều nhưng không tăng được hàm lượng tỷ trọng hoàn trả lao động, tiền lương trả cho người công nhân không tăng”. Theo bà Hương, đây là hệ quả từ tầm nhìn ngắn, thấy lợi trước mắt của doanh nghiệp. “Phải vượt qua bẫy chi phí lao động thấp thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận cơ hội phát triển. Nếu không, trong nhiều năm nữa, chúng ta khó thoát khỏi cảnh gia công, thu nhập thấp”, bà Hương cho hay.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để giải được bài toán nâng cao năng suất lao động khi thực trạng mất cân đối giữa cung- cầu lao động như đang diễn ra, ngoài việc đào tạo nâng cao tay nghề, Chính phủ cần phải có những chính sách mang tính chất “cú hích” như cải thiện chính sách tiền lương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. “Chính phủ cần phải đóng vai trò quan trọng thúc đẩy dịch chuyển lao động giữa các khu vực bằng cách phát triển và hỗ trợ các ngành công nghiệp năng suất cao”, một chuyên gia nói và đề xuất: cần cải cách mạnh mẽ hệ thống đào tạo nghề hướng tới thị trường và nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát nhu cầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật