O ép dân để làm khu công nghiệp

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm hộ dân bị ép nhận tiền đền bù giá thấp, thu hồi đất nhiều năm nhưng chưa bố trí tái định cư, xén bớt tiền trợ giá... Thực trạng xảy ra tại KCN An Nhựt Tân, tỉnh Long An
O ép dân để làm khu công nghiệp
Thu hồi đất đã nhiều năm nhưng đến nay KCN An Nhựt Tân vẫn còn bị bỏ hoang
Năm 2002, UBND tỉnh Long An phê duyệt quy hoạch KCN An Nhựt Tân nằm sát mé sông Vàm Cỏ Đông, tại các ấp 4, 5, 6 thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ.
Phần lớn người dân trong vùng dự án đều không mong muốn có dự án này vì toàn bộ 120 ha (sau này nâng lên gần 200 ha) đất của họ bị lấy làm KCN đang trồng lúa 3 vụ, năng suất cao, ổn định.
 
Giao đất, mất chỗ ở
 
Dù không muốn nhưng người dân nơi đây vẫn phải “tiếp nhận” dự án KCN An Nhựt Tân bởi năm 2006, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt cho Công ty Thép Long An làm chủ đầu tư, thực hiện dự án.
 
Bà Lê Thị Ngọc Dung, ngụ ấp 5, xã An Nhựt Tân, bức xúc: Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, người dân không nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến việc thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ phía chính quyền và nhà đầu tư.
 
Chẳng hạn, chính quyền địa phương không giao quyết định thu hồi đất nhưng lại buộc người dân giao sổ đỏ, ép nhận tiền đền bù thu hồi đất với giá từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/m2 (đất trồng lúa).
 
Giá đền bù quá thấp, người dân khiếu nại đề nghị nâng lên sát với giá thị trường liền bị cán bộ huyện dọa “nếu không lĩnh tiền ở đây thì ra... Hà Nội nhận”. Với giá đền bù như vậy, người dân chỉ mua lại chưa được 20% diện tích đất lúa đã bị thu hồi.
 
Thời điểm ép dân nhận tiền đền bù là năm 2007 nhưng UBND huyện Tân Trụ cho áp bảng giá năm 2003 khiến trên 300 hộ dân trong vùng dự án càng bất bình.
 
Đối với đất thổ cư, nhà đầu tư bồi thường cho dân là 110.000 đồng/m2 nhưng giá bán nền “ưu tiên” cho dân trên 1 triệu đồng/m2. Với giá này, người dân phải mất tới 1.000 m2 đất thổ cư mới mua lại được một cái nền “ưu tiên” có diện tích sử dụng là 100 m2.
 
Gia đình chị Nguyễn Thị So bị thu hồi trên 100 m2 đất thổ cư, giải tỏa một ngôi nhà cấp 4 nhưng tổng số tiền bồi thường, kể cả tiền chính sách hỗ trợ di dời, chưa tới 40 triệu đồng, không thể nào mua nổi nền nhà tái định cư. Đó là chưa kể đa số hộ dân ở đây làm nông nghiệp, không còn đất, họ biết phải làm gì để sống?
 
“Từ chỗ có đất, có nhà, cuộc sống ổn định trở thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất. Làm KCN mà xảy ra nhiều hệ lụy xã hội như thế thì có nên làm hay không?!”. Ông Trần Văn Bé Tám, người dân trong vùng dự án, đã bộc bạch.
 
Thiếu minh bạch
 
Ông Lê Văn Thắng và 78 người dân ở ấp 5, xã An Nhựt Tân đứng tên khiếu nại vụ việc trên. Ông phản ánh: “Huyện thu hồi đất, ép dân nhận tiền đền bù theo giá thấp rồi mới đưa ra phương án bố trí tái định cư. Lẽ ra, việc này phải làm trước, công khai cho dân biết để bàn bạc, góp ý kiến nhằm mục đích đôi bên cùng có lợi”.
 
Ông Thắng chứng minh bằng một văn bản của UBND huyện Tân Trụ thừa nhận phương án bố trí tái định cư được thông báo cho dân ngày 24-9-2008, tức trễ hơn một năm khi thực hiện dự án. Mặc dù vậy, đến nay, khu tái định cư vẫn chưa làm xong, phần lớn người dân chưa nhận được nền tái định cư để ổn định chỗ ở.
 
Ngày 29-8-2008, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định 2183/QĐ-UBND, áp dụng hỗ trợ trượt giá trong việc bồi thường thiệt hại nhà cửa khi Nhà nước thu hồi đất với hệ số là 1,5. Đối tượng áp dụng là những người nằm trong diện nhà cửa, vật kiến trúc bị giải tỏa, nhận đền bù theo đơn giá năm 2007.
 
Nhưng quyết định này đã không được UBND huyện Tân Trụ, chính quyền xã An Nhựt Tân thực hiện. Đến khi người dân phát hiện, khiếu nại thì UBND huyện Tân Trụ mới cho áp dụng vào đầu năm 2010, trễ hơn 2 năm so với thời điểm UBND tỉnh Long An ban hành quyết định.
 
Đã vậy, UBND huyện Tân Trụ chỉ hỗ trợ giá cho người dân trong vùng dự án KCN An Nhựt Tân theo hệ số 1,3 chớ không phải theo hệ số 1,5 như  UBND tỉnh Long An phê duyệt.
 
Cơ quan này “lý giải”: Vào năm 2007, người dân nhận tiền xong không cất được nhà thì gửi tiền ở ngân hàng. Tiền này sinh lãi nên áp hệ số trượt giá 1,3 là hợp lý!
 

68 đơn kiện UBND huyện

 
Bức xúc vì bị o ép, đã có 112 hộ dân trong vùng dự án làm đơn khiếu nại, yêu cầu UBND huyện Tân Trụ hủy khung giá đền bù thu hồi đất cũ, áp lại khung giá mới, buộc nhà đầu tư phải giao nền tái định cư với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh; phải bồi thường các khoản thiệt hại do việc chậm trễ giao nền gây ra... Tuy nhiên, tất cả đơn khiếu nại đã bị UBND huyện Tân Trụ bác với lý do không có cơ sở để xem xét.
 
Theo ông Lê Quốc Gấm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, hiện TAND huyện Tân Trụ đã thụ lý 68 đơn khởi kiện quyết định hành chính, yêu cầu UBND huyện Tân Trụ hủy bỏ đơn giá cũ, áp dụng đơn giá đền bù khác sát với thực tế hơn.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật