Chuyện kể dọc đường của nhiếp ảnh gia, nhà báo Trọng Tài

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Triển lãm ảnh “Chuyện kể dọc đường” của nhiếp ảnh gia Trọng Tài diễn ra từ 18 - 21/6 tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).
Chuyện kể dọc đường của nhiếp ảnh gia, nhà báo Trọng Tài
Ảnh minh họa

Triển lãm là một series gồm 7 phóng sự/nhóm ảnh mà tác giả chụp trong những chuyến đi của mình trong suốt 3 năm qua 4 quốc gia.

Chuyện kể dọc đường” của Trọng Tài không đơn giản là những câu chuyện được vẽ lại nên bằng ống kính máy ảnh, đó còn là những mảnh đời, những phận người, những thời khắc giản dị lẫn thăng hoa của cảm xúc.

Nét “cảm” của người cầm máy ảnh có chút gì đó đồng điệu với sự sáng tạo của họa sĩ, sự lãng mạn của một nhà thơ và cả “trái tim nóng cùng cái đầu lạnh” của một nhà báo... Cảm xúc nối liền cảm xúc, sáng tạo nối tiếp sáng tạo theo từng bước chân trên mỗi nẻo đường người chụp ảnh góp nhặt nên...

Nguyễn Trọng Tài tốt nghiệp khoa Nhiếp ảnh, ĐH Sân khấu Điện ảnh. Tên tuổi anh gắn bó từ hơn 10 năm qua với tờ báo dành cho giới trẻ: Sinh viên Việt Nam – Hoa Học Trò.

Từ khi còn là một cậu học sinh trung học, Tài đã sớm dành niềm đam mê của mình cho những khuôn hình. Từ chiếc máy rẻ tiền đựng trong balô cùng con ngựa sắt là chiếc xe đạp giản dị, Tài đã đi khắp Hà Nội, đi nhiều nơi, gặp nhiều người... khắc họa nên chân dung và cảnh vật của những mặt người quen thuộc, những nơi chốn thân quen...

Dân nhiếp ảnh thường nói vui với nhau: “Đam mê nhiếp ảnh thì ngang với nuôi thằng nghiện trong nhà”, bởi lẽ tiền máy, tiền ống kính, tiền phim, tiền rửa ảnh là những chi phí “trên trời” mà bất cứ “tội đồ” nào trót ngã vào sức mê hoặc của bộ môn nghệ thuật này đều “dính” phải. Ấy thế mà cậu học sinh tự mày mò đi lên bằng sức lực của chính mình, không được bất cứ sự hỗ trợ nào ngoài chiếc máy thô sơ buổi đầu gia đình tặng làm hành trang bước vào đời.

Có lẽ khi tặng cho cậu con trai duy nhất chiếc máy ảnh ấy, gia đình Trọng Tài không hề nghĩ bằng những bài viết, những tấm ảnh – mới đầu là trang trong, dần dần chiếm lĩnh mọi trang quan trọng của những số báo dành cho giới trẻ - Tài đã khiến cho “máy mẹ đẻ máy con”, từng bước trang bị cho mình những thiết bị hiện đại để định hình nên một chữ “nghiệp” bây giờ: phóng viên nhiếp ảnh Nguyễn Trọng Tài.

Vẫn còn là quá mới cho hai chữ “tên tuổi”, nhưng Trọng Tài đã là một cái tên có sức thuyết phục trong làng nhiếp ảnh, và cả trong lòng bạn bè yêu cái đẹp.

Việt Nam, chuyện thần tiên của người trẻ: Hà Nội cổ trong mắt 1 người trẻ

Một Hà Nội cũ kỹ, cổ kính chật trội, nhỏ bé nhưng cũng thật lãng mạn. Đó là Hà Nội bị giằng xé giữa 2 chữ “Bảo tồn” hay “Phát triển”. Có những góc phố, con đường, bờ tường... chỉ mới đây thôi mà giờ đã thay đổi vĩnh viễn. Có những điều mới đã đến và thay đổi thành phố từng ngày. Người Hà Nội trẻ giữ cho riêng mình những ký ức về một Hà Nội xưa và nay... và nỗ lực từng ngày để làm mới thành phố thân yêu. Và có một điều không thể thay đổi, họ yêu thành phố này, yêu tha thiết, không cần lý do.

Bãi sông Hồng, sáng lên ánh mắt trẻ thơ

Giữa bài sông Hồng lam lũ, tôi tìm thấy những “viên ngọc không tì vết”. Đó là những ánh mắt, nụ cười trẻ thơ hồn nhiên. Bức ảnh đầu tiên mở đầu bằng những bước chân mưu sinh cực nhóc của cha mẹ các em đến với vùng đất này. Bức ảnh cuối kết thúc bằng những bước chân chập chững nhưng tự tin của các em lên bờ, tới vùng sáng. Hôm nay, nhờ những nhóm tình nguyện, nhờ chính quyền địa phương, các em được sống gần hơn với bờ, được tới trường, được vui chơi. Các em là những điều đẹp đẽ của xóm nghèo ven sông.

Ninh Bình, những niềm hi vọng tươi mới

Nằm ở miền Bắc Việt Nam, Nình Bình mang trong nó nhiều niềm tự hào. Sau khi say đắm trước Nhà Thờ Đá, Hoa Lư, rồi Bái Đính, tác giả vô tình nhận ra một nét đẹp, niềm tự hào giản dị của nơi này: những người trẻ tuổi. Họ cần cù, siêng năng và hồn hậu. Họ căng tràn sức sống như vùng đất này và quan trọng nhất là họ phơi phới và lạc quan. Họ yêu thương và tin tưởng về tương lai trên chính mảnh đất quê hương. Họ là “kỳ quan” của Ninh Bình.

Sapa ngày hội nhập

Mùa xuân này, hoa mận lại nở trắng rừng. Những người dân bản cũng vui niềm vui đổi mới, và trù phú hơn. Người phụ nữ Dao Đỏ cần mẫn với những món đồ thổ cẩm. Những món đồ nhỏ xinh của bà đang giữ chân khách du lịch. Cuộc sống hiện đại đến với Sapa như điện thoại di động trong tay người phụ nữ bán thổ cẩm hay người bạn tóc vàng chơi đu cùng những em bé người bản địa. Sapa đang đổi thay mỗi ngày trên nền sắc lam và tiếng khèn sớm.

Campuchia, tiếng đánh vần trong xóm lao động

Tôi tình cờ gặp được lớp học tình thương này giữa thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Lớp học gồm những em bé sống lang thang trên đường phố. Nhiều em còn rất nhỏ, số khác lớn hơn thì chưa biết chữ. Các em được các nhân viên xã hội tìm gặp, gom lại và dạy chữ. Lớp học tổ chức ban ngày và trong một khu lao động nghèo. Khu lớp học xuống cấp nhưng gieo vào lòng người những hy vọng mới về một tương lai tốt đẹp hơn cho các em”.

Lào, phía xa là bình minh

Điểm đến đầu tiên của tôi trong series này là đất nước Lào. Những người bạn Lào nổi tiếng vì sự thân thiện, cởi mở và thật thà hiếm có. Bản tính dân tộc dó không mất đi dù mỗi ngày, những người dân nghèo vẫn gánh đủ những lo lắng thường nhật, vẫn vất vả với công việc mưu sinh.

Tôi lựa chọn sự biểu cảm của 2 gương mặt, 2 ánh mắt nhìn để xoáy sâu hơn vào nội tâm của nhân vật... 2 gương mặt, tâm trạng và trạng thái đối lập hẳn nhau: Đó là em bé chừng 3, 4 tuổi với ánh mắt nhìn tinh quái hồn nhiên của tuổi thơ. Đối ngược đó là ánh mắt có phần thảng thốt của em bé bán bóng.

Lẽ thường với trẻ con, trái bóng biểu hiện cho niềm vui, cho ước mơ hồn nhiên bay bổng thì nay nó lai là gánh nặng cơm gạo áo tiền với em bé Lào bé bỏng này. Tôi chọn hoàng hôn để mở đầu và rạng đông để kết thúc bộ ảnh như cái nhìn tương lai đầy lạc quan của những người dân nghèo nơi đây.

Thái Lan, sắc màu trên sông

Chợ nổi dam‌noensaduak chủ yếu để phục vụ khách du lịch. Sự giao thương ở đây nhắm đến khách du lịch là chính và sự can thiệp "nhân tạo" của ngành du lịch Thái là khá đậm nét. Chợ nổi Thái Lan không có sự giao thương rộng lớn giữa các cư dân trong vùng, ít thấy cảnh giao nhận hàng mà chỉ là cuộc mua bán nhỏ lẻ, trực tiếp với người bên ngoài và khách du lịch, nên chợ cũng không nhóm họp từ khuya mà chỉ bắt đầu từ khi trời sáng kéo dài đến quá trưa. Bảng hiệu ở đây thay thế những cột sào như ở Việt Nam, người bán hàng giao dịch chủ yếu bằng ngôn ngữ cử chỉ: những món đồ lưu niệm Bangkok được coi là những hàng hoá chính, bên cạnh những món trái cây nhiệt đời. Dòng sông tấp nhận những sắc màu: sắc trái cây, sắc cờ và cả màu da và sắc màu văn hoá mà những vị khách bốn phương mang tới”./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật