Tài danh vẫn còn ở mãi

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
NSND Dương Ngọc Đức vừa vĩnh biệt chúng ta. Đây là một tin buồn cho giới nghệ sĩ và đông đảo những nguời yêu sân khấu và đặc biệt với chúng tôi, những người cộng sự, những người em trong làng sân khấu đã gắn bó với ông một thời gian dài tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Tài danh vẫn còn ở mãi
NSND Dương Ngọc Đức và NSND Doãn Châu.

Ông là một nghệ sĩ luôn có trách nhiệm cao với đời, với nghề và quả thực, lúc này đây, khi ông mất đi rồi, chúng tôi yêu ông, nhớ ông và ngẫm lại mới thấy những gì ông từng sống, từng đóng góp cho sân khấu nước nhà quả là vô cùng to lớn và đáng trân trọng.

Xuất thân là một chính trị viên, được rèn luyện tại Trường lục quân khoá 5 của Quân đội nhân dân Việt Nam, Dương Ngọc Đức sớm có được một tác phong chính xác và hết sức nghiêm túc trong công việc nên ngay từ những ngày đầu được cử đi học tại khoa đạo diễn ở Liên Xô, ông đã có một tác phong chuẩn mực trong nghệ thuật.

Về nước, ông trình làng tác phẩm đầu tiên là vở kịch Đêm mưa, kịch bản của nhà văn Tất Đạt. Đây là tác phẩm thực tập, đứng tên cùng đạo diễn Ngọc Phương tại Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nhưng những vở kịch có tiếng vang đầu tiên tại Việt Nam do ông đạo diễn lại không phải là những vở diễn tại Thủ đô Hà Nội mà từ nơi đất Cảng, Dương Ngọc Đức đã làm nên một tên tuổi đạo diễn lớn bằng một loạt tác phẩm có chất lượng cao và được công chúng cũng như bạn nghề rất nể phục. Đó là những vở: Lưới thép, Anh còn sống mãi, Chiều cuối, Cửa mở hé, Masa...

Những vở diễn đó không những khẳng định vị trí của ông mà còn giúp cho Đoàn Kịch nói Hải Phòng ngày ấy trở thành một đơn vị nghệ thuật đáng nể trong giới sân khấu và có lẽ thời gian này cũng có thể coi như thời hoàng kim của nghệ thuật kịch đất Cảng danh tiếng lẫy lừng với bao đêm diễn đầy ắp khán giả cùng những lời khen ngợi nức lòng... và mỗi thành viên của Đoàn Kịch Hải Phòng ngày ấy đều ngẩng cao đầu tự hào mà nói rằng là "quân" của đạo diễn Dương Ngọc Đức, người đã tạo cho họ những chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn nghề và công chúng với những vai diễn khẳng định vị trí và tài năng của họ...

Tài năng của ông đã "lọt vào tầm ngắm" của các đơn vị nghệ thuật trong cả nước và tất nhiên "việc gì đến phải đến" nên Đoàn Kịch nói Hải Phòng đành phải để ông lên Hà Nội để thực hiện những mục tiêu lớn hơn vì lợi ích của sân khấu nước nhà và quả nhiên từ khi ông trở thành đạo diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam thì cùng với các đạo diễn tên tuổi khác như NSND Đình Quang, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Ngọc Phương, NSƯT Dương Viết Bát,... Nhà hát Kịch Việt Nam đã thực sự có được một giai đoạn "vàng" mà đến nay, mỗi khi nghĩ lại, chúng tôi đều cảm thấy tự hào về những năm tháng có thể gọi là hào hùng đó với biết bao vở diễn hay mà trong đó, Dương Ngọc Đức đã có những đóng góp đáng kể.

Trong giới sân khấu, đôi khi bạn nghề thường hay đùa ông là "bon papa" có nghĩa là rất tốt bụng và lành tính. Tác phẩm của ông không chỉ là những vở diễn tròn trịa mà trái lại đều rất sâu sắc và đầy góc cạnh với những cung bậc cảm xúc rất khác nhau. Khi thì hoành tráng, bi hùng như Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Đảo Thần Vệ Nữ...  khi lại nhẹ nhàng, cảm động, lãng mạn, sâu sắc, đầy tính chiến đấu như Tiền tuyến gọi, Đôi mắt, Trăn trở, Mười đoá phong lan... Lúc thì hồi hộp, gay cấn và hấp dẫn theo kiểu trinh thám như Hoa Anh Túc, Lưới thép... Rồi có lúc lại đầy chất trào lộng, hóm hỉnh mang đậm màu sắc dân tộc như Nghêu, Sò, Ốc, Hến; Cửa mở hé... Có vở thì lại cảm động, sâu lắng như Masa...

Cũng từ bàn tay của Dương Ngọc Đức mà một thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng đã thành danh. Có thể kể ra đây những nghệ sĩ mà có lẽ suốt cuộc đời sẽ phải cảm ơn những người thầy đã tạo nên sự nghiệp cho họ mà một trong số đó là NSND Dương Ngọc Đức. Đó là NSND Trần Tiến, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Trọng Khôi, NSƯT Quang Thái, NSƯT Hà Văn Trọng, NSƯT Nguyệt Ánh...

Tài năng như vậy, số lượng tác phẩm hay nhiều như vậy, thành tích đóng góp cho sân khấu nước nhà lớn như vậy nhưng ngoài đời, Dương Ngọc Đức lại là một con người rất khiêm nhường và vị tha, tình cảm và lãng mạn với một nếp sống giản dị đáng để chúng ta nể phục.

Ngày vợ ông mất, chúng tôi tới thăm ông, ông chỉ khóc và thật ngạc nhiên khi ông tâm sự: Mình lạ thật, bây giờ già rồi lại hay khóc, bỏ qua cho tớ nhé!

Nghe những lời thành thật đó, chúng tôi thấy nghẹn lòng và càng thấy thương ông vì biết rằng từ bữa đó, tuy con cháu rất hiếu thảo và tận tâm phụng dưỡng nhưng ông sẽ phải sống với cảnh thiếu người bạn đời mà ông vô cùng yêu quý...

Những ngày cuối đời, dù đau yếu, không đi được đến đâu nhưng quanh ông lúc nào cũng đầy ắp báo chí và mỗi lúc chúng tôi tới thăm thì như một dịp để ông "xả" hết nỗi niềm tâm sự, xả hết nỗi khát khao cháy bỏng cho một nền sân khấu hướng tới những điều công bằng, tốt đẹp nhất cho con người.

Con người Dương Ngọc Đức là như vậy!

Chính vì lẽ đó nên cũng thật dễ hiểu tại sao toàn giới nghệ sĩ đều yêu mến ông và cũng thật dễ hiểu tại sao ông ở cương vị Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam đến 3 khoá.

Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng ông vẫn quan tâm sát sao tới tình hình sân khấu trong cả nước và đóng góp cho lớp trẻ những ý kiến quý báu những mong cho sàn diễn khắp nơi lại được khởi sắc như thuở nào...

Ông mất đi giữa lúc tình hình sân khấu gặp nhiều khó khăn, mỗi người chúng ta đều thương tiếc và yêu quý ông nhưng có lẽ cách thiết thực nhất để chúng ta thể hiện tấm lòng của mình đối với ông là: Hãy lấy những phẩm chất sống tuyệt vời cùng tài năng đích thực của ông làm bài học để gắng làm sao cho bộ môn nghệ thuật sân khấu của nước nhà trở lại thời hoàng kim như ngày nào NSND Dương Ngọc Đức đã từng cống hiến, đã từng sống...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật