Vụ án giết ngư‌ời tìn‌h trên xe Luxus: Kim Anh là một bị cáo tối dạ?

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cảm giác ấy của tôi có vẻ hơi đúng khi vị đại diện viện Kiểm Sát trong bản luận tội bị cáo đã nhận xét: Kim Anh là một bị cáo tối dạ. Dòng chữ “tối dạ” có thể là một cách nói thật khéo, chứ đúng ra phải nói cô gái này thật xuẩn ngốc
Vụ án giết ngư‌ời tìn‌h trên xe Luxus: Kim Anh là một bị cáo tối dạ?
Trước vành móng ngựa hay trên ghế bị cáo, Kim Anh úp mặt khóc ròng.

8h 30 phút ngày 30-12-1009. Chiếc ô tô “lọ mực” chuyên dành để chở can phạm không dừng lại ở cổng Tòa án nhân dân TP Hà Nội như mọi khi mà lao vào tận sân tòa, rồi cứ thế lùi sát vào chân cầu thang – nơi dẫn lên phòng xét xử tầng 2. Cánh cửa xe bật mở, Kim Anh luống cuống từ trong bước ra, cô hớt hải quay lại tìm ánh mắt người thân, nhưng không có ai hết. Không một tiếng gọi, không một tiếng nhắn nhủ: “Có khỏe không, có cần gì không, có ăn được không, có ngủ được không…”. Không có những tiếng khóc của bố mẹ, của anh em vỡ òa, như một điểm tựa cho can phạm giống những phiên tòa thường tình khác, rằng xung quanh mình có người thân thiết. Cô nào biết, giây phút ấy, bố mẹ cô đang phải chốn vào một nơi thật kín để tránh sự bức xúc của người nhà nạn nhân. Họ trốn đi để không muốn chứng kiến cảnh con gái mình bị còng tay và nghe những lời mạt sát từ phía gia đình bị hại. Bạn bè cô và một số người họ hàng cũng thế, họ chỉ dám đứng từ xa lặng lẽ nhìn. Kim Anh nhanh chóng được dẫn vào phòng xử giữa hai hàng Cảnh sát bảo vệ và suốt từ lúc ấy cho đến hết phiên tòa, Kim Anh – kẻ đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Tiến Chính - tất yếu đã trở thành điểm chút của mọi nỗi đau đớn, giận dữ từ phía người nhà nạn nhân. Tôi đứng không quá gần Kim Anh nhưng đủ để nhận thấy đôi vai gầy mỏng của cô đang rung lên, hai bàn tay trắng trẻo đang vò vào nhau trong chiếc còng số 8, thật may cho cô là còn có chiếc còng, bởi tôi không tưởng tượng nổi, nếu không có chiếc còng ấy, hai bàn tay cô sẽ phải bấu víu vào đâu…

Kim Anh đứng trước vành móng ngựa, nhìn gầy hơn nhưng lại … hiền lành hơn cái hôm cô bị bắt. Có lẽ tại mái tóc đã bị cột chặt, không còn được thả ra bồng bềnh, tại cặp kính cận, hay tại đôi dép tổ ong thật khác lạ với một Kim Anh ngày xưa chỉ quen xài những món đồ hợp thời trang. Khi ấy, chúng tôi gặp cô tại Đội trọng án của PC14 Công an TP Hà Nội, cô không biết chúng tôi là ai và cô cũng ngây thơ (hay thiếu hiểu biết) khi tin rằng, khai xong tội trạng là cô sẽ được bố mẹ đón về nhà. Thật đáng sợ là sự thiếu hiểu biết pháp luật của Kim Anh không phải là tình trạng hiếm ở một bộ phận sinh viên ngày nay, nhưng phải đến lúc phải đứng trước vành móng ngựa rồi, Kim Anh mới thấm điều này.

Nỗi đau quá lớn của gia đình nạn nhân đã biến thành lòng thù hận, thành ngọn lửa sẵn sàng thiêu đốt kẻ tội đồ đang gục rũ trên chiếc ghế dành cho bị cáo kia. Thật nhiều nước mắt và những vành khăn tang trắng. Sự qúa khích từ phía người nhà nạn nhân khiến vị chủ tọa nhiều khi phải dừng lại nhắc nhở. Ngày cuối năm, ngày Tết sum họp, vậy mà có hai gia đình ở phiên tòa này không được hưởng niềm hạnh phúc bình dị ấy. Một người mẹ 80 tuổi mất con trai, không còn đủ sức để nói, nhưng mỗi khi có cơ hội được nói trước tòa, bà cụ lại lên án kẻ đã nhẫn tâm gây ra cái chết cho con bà, giữa những tiếng thở nặng nhọc, khiến những người có mặt không khỏi cám cảnh. Còn với Kim Anh, Tết này là một cái Tết đầu tiên cô đón nó trong một hoàn cảnh đặc biệt ở một nơi xa lạ và tất nhiên, còn phải nhiều năm nữa, nhiều cái Tết nữa, mơ ước sum họp cùng gia đình trong không khí đầm ấm của ngày Tết với Kim Anh vẫn chỉ là một niềm đau nhức nhối.

Tôi cứ bị ám ảnh bởi cái tên Kim Anh. Nếu hiểu nôm na “kim” là “vàng” như các cụ vẫn nói, thì Kim Anh cũng có thể gọi là Vàng Anh – một loài chim thật đẹp, hót thật hay, có phải cha mẹ khi sinh cô đã muốn gửi gắm vào cái tên đó những mong muốn, những hy vọng tốt đẹp, vậy mà giờ đây, cái tên ấy lại được nhắc đến thật nhiều, nhưng không phải để tuyên dương hay khen ngợi mà là để lên án một tội ác khó có thể tha thứ. Cho đến giờ phút này, ngồi ngắm Kim Anh trước vành móng ngựa, tôi vẫn mường tượng trong suy nghĩ của cô gái này có một điều gì đó không bình thường, giống hệt cảm giác cách đây mấy tháng, khi nói chuyện với cô lúc mới bị bắt, Kim Anh không biết cách nói để cho người đối diện thấy thuyết phục nhất, ít ra là để người ta có cảm tình với mình, nó cứ sống sượng, trơ trơ và thiếu đi cái duyên của một người con gái.

Cảm giác ấy của tôi có vẻ hơi đúng khi vị đại diện viện Kiểm Sát trong bản luận tội bị cáo đã nhận xét: Kim Anh là một bị cáo tối dạ. Dòng chữ “tối dạ” có thể là một cách nói thật khéo, chứ đúng ra phải nói cô gái này thật xuẩn ngốc. Cô đã chọn cách hành xử của một kẻ không có trí tuệ, trong một giây phút nông cạn với bản năng của một con thú. dư luận xoáy sâu vào chi tiết đánh giá Kim Anh là đứa con gái dã man: Sau khi giết người, cô vẫn có thể đi nhà nghỉ với người yêu, nhưng tôi lại thấy chi tiết ấy thể hiện Kim Anh là đứa con gái bản năng, sống bản năng, yêu bản năng, và giết người cũng bản năng. Có thể, cái việc đi nhà nghỉ cùng người yêu sau khi gây ra tội ác chưa chắc đã phải để hưởng cái lạc thú như vốn dĩ khi yêu người ta tìm đến nhau, mà có thể như một con thú cùng đường không còn biết nương tựa, bấu víu vào đâu, cô tìm đến người yêu như tìm sự chở che tinh thần.

Bản năng ngay cả ở cái cách Kim Anh yêu mà dư luận đã lên án. 14 tuổi biết yêu. 17 tuổi yêu bạn trai học cùng lớp 11. 19 tuổi yêu…bố của người bạn trai ấy. 20 tuổi yêu bạn của người yêu cũ…Thị xã Cao Bằng bé nhỏ, một cô gái được gọi là xinh như Kim Anh hẳn yêu ai cả làng cả nước đều biết. Nếu thông minh thì Kim Anh có thể kín kẽ hơn hoặc giả cũng chọn người khác để yêu chứ không phải bố của người yêu cũ cũng như không phải là bạn của người yêu cũ. Và cô còn “tối dạ” ở chỗ, người đàn ông đa số nói chung đều thích kể chiến tích yêu đương với bạn bè mình, và đương nhiên, nếu người yêu cô có bao nhiêu người bạn trai thì bằng ấy người sẽ biết cô đã là của anh ta, chưa kể những người đàn ông ấy còn thân thiết với nhau. Vậy thì tại sao lại ngây ngô tin rằng, sẽ giấu giếm mãi được quá khứ giữa cô và anh Nguyễn Tiến Chính, chỉ bẳng cách nhận lời đi chơi với anh ta.

Cảnh sát trật tự phải can thiệp để giảm bức xúc từ gia đình nạn nhân.



Người phụ nữ ngày hôm qua có thể nhận lời đi chơi với người đàn ông mình yêu, nhưng nếu hôm nay không còn yêu nữa, thì đó là một cực hình. Và tất cả những hành động được cho là âu yếm ngày hôm qua thì hôm nay rất có thể sẽ lại là những hành vi sàm sỡ. Đó là diễn biến tâm lý bình thường của một con người, thế nên lời bào chữa của luật sư Hằng Nga (bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Vũ Thị Kim Anh) xem ra cũng có ý đúng. Thế nhưng, ngay lúc này, tại phiên tòa này, “diễn biến tâm lý bình thường” ấy không giúp mọi người nhìn Kim Anh với con mắt vị tha hơn. Cô đang được làm “người mẫu” để cho hàng chục ống kính máy ảnh chĩa vào. Tôi lại hình dung, khi chưa phạm tội, chắc hẳn cô cũng như nhiều cô gái vừa bước qua tuổi teen khác rất thích chụp ảnh, đặc biệt là ảnh nghệ thuật. Thế mà lúc này đây, cô lại đang cố cúi xuống, giấu mặt đi thật kỹ để tránh những ánh đèn đang chớp nháy liên tục.

Sự thật khi bị phơi bày ở một nơi như tòa án ngẫm ra thật bẽ bàng. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, vị đại diện viện Kiểm sát cũng như các luật sư buộc phải dùng những lời kẽ trần trụi mà vốn dĩ ngày thường, người ta thường phải nói tránh đi, để nói về hành động của nạn nhân đã gây ra bức xúc cho bị cáo dẫn đến hành vi côn đồ của bị cáo. Mỗi khi nghe thấy những từ như thế tôi để ý thấy Kim Anh lại nhăn mặt, mím môi thật chặt. Vì xấu hổ? Hay vì những ẩn ức không thể nói thẳng băng ra bằng lời? Sự trần trụi ấy có thể sẽ giúp tội trạng của Kim Anh giảm đi phần nào, nhưng đồ rằng, những vị cầm cân nảy mực cũng như tất cả những người đàn ông và đàn bà, già hay trẻ có mặt tại phiên tòa hôm ấy đều có chung một cảm giác xót xa thay cho Kim Anh. Sự bẽ bàng còn bởi những lời kết tội bị cáo của vợ nạn nhân. Trong phiên tòa này, chị chẳng ngại ngần cho biết, Kim Anh đã yêu cả hai bố con anh Chính, trong khi anh T (con trai nạn nhân), cũng có mặt và cùng với mẹ “kết tội” người yêu cũ. Đến mức cô bạn đồng nghiệp phải ghé tai nói nhỏ “bẽ bàng quá” và từ lúc đó, tôi thấy bạn tôi bỏ ra ngoài hành lang đứng.

Nếu như chúng ta – những người chẳng liên quan máu mủ gì với Kim Anh bẽ bàng một thì cha mẹ của cô bẽ bàng mười. Trong suốt phiên tòa, người cha đen sạm héo hắt của cô cứ gục xuống đôi bàn tay bên cạnh người vợ cũng rũ như tàu lá héo để nghe người ta vạch tội con gái mình. Ông đang bị căn bệnh gì đó hành hạ. Một nửa đầu của ông tróc ra từng mảng, bong vẩy đỏ ửng. Cái rét căm căm hay tại nỗi lòng đang như muối xát khiến vợ chồng ông rúm ró tựa vào nhau, hình như ông bà chưa dám gọi “Kim Anh ơi” một lần nào và cũng chưa một lần dám đứng sát Kim Anh để nhìn mặt con gái thật kỹ cho thỏa nỗi nhớ sau gần một năm không gặp mặt.

Được nói lời cuối cùng, Kim Anh sám hối trong những tiếng nấc nghẹn mong được gia đình nạn nhận tha thứ cho tội lỗi của mình. Nhưng đã muộn rồi, sự đau đớn tột cùng của gia đình nạn nhân đã biến thành ngọn lửa thù hận, họ như muốn lao vào giằng xé nuốt chửng lấy Kim Anh. “Lấy oán báo oán, oán càng chất chồng” – lời người xưa đã nói, mong rằng, oán thù này sẽ được cởi bỏ, bởi những người trong cuộc, dù là bên nguyên hay bên bị thì cũng đã thấu tận tâm can cái giá của sự thù hận rồi…

Theo An ninh thế giới

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật