“Làm đẹp” báo cáo tài chính cuối năm: Thật không?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TTCK đã có phiên tăng điểm trọn tuần, tuy nhiên ở nhiều phiên giao dịch khối lượng giao dịch chỉ ở mức khiêm tốn. Điều này làm cho NĐT lo ngại, liệu thị trường có đang được các nhà tạo lập thị trường “làm đẹp” trước thời điểm lập báo cáo tài chính?
“Làm đẹp” báo cáo tài chính cuối năm: Thật không?
Ảnh minh họa

Sự phục hồi hiện tại có vẻ không giống những giai đoạn đầu của những đợt tăng giá dài hạn trước đây. VN-Index đã tăng liên tục trong 6 phiên liên tiếp mà không hề xuất hiện sự điều chỉnh. Đặc biệt, giữa một số phiên giao dịch, mỗi khi lực bán xuất hiện thì lực mua rất nhanh chóng được đẩy vào vừa đủ hỗ trợ để chỉ số chứng khoán tăng trở lại. Tuy nhiên, nhiều phiên, cuối ngày khối lượng chỉ duy trì ở mức khiêm tốn. Diễn biến này làm nhiều NĐT lo ngại, liệu thị trường có đang được các nhà tạo lập thị trường “làm đẹp” trước thời điểm lập báo cáo tài chính cuối năm?

VN-Index: Thường tăng vào cuối quý?

Nhìn lại diễn biến của VN-Index trong trong năm qua có một nét khá thú vị, đó là chỉ số này thường tăng vào sát thời điểm kết thúc quý. Vào quý I, dù sự phục hồi của thị trường khi đó chưa thực sự rõ ràng, nhưng VN-Index đã tăng tới 7,5% trong 7 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 - thời điểm kết thúc niên độ tài chính của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài.

Vào cuối quý II, dù xu thế lớn của thị trường là điều chỉnh kéo dài từ ngày 12/6 sang đến tận cuối tháng 7, nhưng vào cuối tháng 6, VN-Index vẫn có sự phục hồi nhẹ, tăng 2,3% trong 6 phiên giao dịch cuối cùng của quý. Sang quý III, thậm chí VN-Index còn tăng sớm hơn, khởi sắc từ đầu tháng và tăng đặc biệt mạnh vào hai tuần cuối cùng của tháng 9. Kết thúc quý III, VN-Index đứng ở mức 580,90 điểm và ngay sau đó điều chỉnh mạnh về 549 điểm trong 3 phiên đầu tháng 10!

Hiện tại, sau khi xuống đáy thấp nhất 434,87 điểm ngày 17/12. VN-Index đang phục hồi mạnh mẽ và tiệm cận ngưỡng tâm lý 500 điểm - kịch bản mà 2 tuần trước rất ít NĐT ngờ tới. Diễn biến này cũng tương đồng với cuối năm 2008: dù xu thế thị trường đầu tháng 12 hết sức ảm đạm, giao dịch trầm lắng, nhưng VN-Index tăng 7,6% vào tuần cuối cùng của năm.

Giao dịch NĐTNN: Mua ròng vào cuối quý!

Thống kê giao dịch của khối NĐT nước ngoài trong 4 quý gần nhất cho thấy có 3 quý NĐT nước ngoài thường đẩy mạnh mua vào thời điểm cuối quý. Chỉ trong quý III vừa qua, NĐT nước ngoài đã bán ròng trong phần lớn thời gian của tháng 9 và sang nửa đầu tháng 10, chiến lược giao dịch của họ tỏ ra lưỡng lự không rõ xu thế - động thái giao dịch này tương tự khi kết thúc quý I/2009.

Còn cách đây 1 năm, sau khi bất ngờ mua ròng vào những phiên cuối năm và một số phiên đầu năm mới, NĐT nước ngoài đã chuyển sang bán ròng trong hầu hết thời gian của tháng 1.

Lý giải thị trường

Với đa số NĐT tổ chức tại Việt Nam, năm tài chính thường kết thúc vào ngày 31/12. Tuy nhiên, vẫn có các ngoại lệ, với một số quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, một số tổ chức đầu tư lớn khác là Quỹ Vinacapital năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6.

Các NĐT trong nước thường nhìn nhận sự biến động của VN-Index vào cuối quý có lý do đến từ việc các tổ chức hạch toán sổ kế toán. Sự tăng trưởng của quỹ trong năm có ý nghĩa quyết định đến các khoản lương, thưởng của các giám đốc điều hành (CEO). Với các CTCK, việc VN-Index đứng ở mức cao là kịch bản lý tưởng, giúp khối này bảo vệ được thành quả kinh doanh, hạn chế các khoản trích lập dự phòng ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, bà Đặng Minh Loan, Giám đốc đầu tư của Vinacapital cho rằng, quan điểm này không hoàn toàn đúng. Chẳng hạn với Vinacapital, thời gian qua Quỹ đã tái cơ cấu giảm tỷ trọng đầu tư ở các công ty đã tăng trưởng chậm lại hoặc đạt đến ngưỡng bão hòa để chuyển sang các công ty trẻ trung và tăng trưởng nhanh hơn .

Bà Loan cho rằng, việc mua bán của các quỹ tại thời điểm kết thúc quý là hoàn toàn bình thường, có quỹ cần tăng tỷ lệ tiền mặt, có quỹ thấy cơ hội giải ngân hấp dẫn... Thông thường, các quỹ nước ngoài có chiến lược đầu tư riêng và bám sát các mục tiêu như sự tăng trưởng dài hạn hơn việc phân tâm bởi các yếu tố ngắn hạn.

Đồng quan điểm, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HDQT kiêm Tổng giám đốc Sai gon as‌set Management Com (SAM) cho biết, mỗi quỹ có chiến lược giao dịch riêng. Tại thời điểm cuối quý, có quỹ đẩy mạnh bán ra, có quỹ mua vào tùy thuộc hoạt động kinh doanh của DN.

Cũng theo ông Louis Nguyễn, lương thưởng CEO của các quỹ đầu tư như SAM được tính dựa vào sự tăng trưởng của quỹ kể từ khi hoạt động. Năm ngoái, hầu hết các quỹ có kết quả kinh doanh tồi tệ vì thị trường tuột dốc. Vì vậy, năm nay để có thể lĩnh thưởng, các CEO của SAM phải tăng giá trị tài sản ròng của quỹ để bù đắp phần tổn thất năm ngoái, đồng thời phải đạt mức tăng trưởng tối thiểu 8% - mức lãi tương đương lãi tiền gửi do các bên góp vốn cho SAM yêu cầu.

Không phủ nhận việc VN-Index tăng lên vào cuối năm là kịch bản đẹp cho khối CTCK và nhiều quỹ đầu tư, nhưng ông Lê Anh Thi, Giám đốc phân tích CTCK Âu Việt dự báo, sau kỳ nghỉ Noel và Tết Dương lịch, nhiều khả năng thị trường vẫn tăng điểm.

Biện luận cho quan điểm của mình, ông Thi cho rằng, sang năm mới dòng tiền được khơi thông, lạm phát năm 2009 trong tầm kiểm soát tác động tốt đến tâm lý NĐT, mức giá cổ phiếu giảm thấp trở nên hấp dẫn... là các động lực chính cho VN-Index tiến xa hơn trong tháng 1.

Các số liệu thông kê quá khứ thường chỉ có ý nghĩa tham khảo hơn là việc vạch ra xu hướng sắp tới của thị trường. Tuy nhiên, sự trỗi dậy hiện tại nếu không xuất phát từ “bàn tay hữu hình” của nhà tạo lập thị trường thì NĐT có thể kỳ vọng vào một chu kỳ mới bắt đầu.

Theo ĐTCK
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật