Quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản có thể tới 50.000 tỉ đồng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không giống các gói tín dụng ưu đãi khác – thường giải ngân ì ạch, gói 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản giải ngân rất nhanh và về đích trước hạn gần nửa năm, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong ngành. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu nâng quy mô gói này lên 30.000 tỉ đồng và nếu giải ngân hết sẽ sẵn sàng mở rộng lên mức 45.000-50.000 tỉ đồng.
Quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản có thể tới 50.000 tỉ đồng
Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản giải ngân rất nhanh và về đích trước hạn. Ảnh: T.L

2023 thực sự là năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành gỗ. Nhu cầu thị trường sụt giảm, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng xuất khẩu ít ỏi khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm tới 30-40%. Thêm vào đó, vướng mắc trong hoàn thuế càng làm doanh nghiệp mất cân đối dòng tiền.

Trong bối cảnh như vậy, gói tín dụng ưu đãi quy mô 15.000 tỉ đồng cho ngành lâm sản, thủy sản với mức lãi suất thấp hơn 1-2%, đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua khó khăn và trụ vững. Ông Trịnh Đức Kiên, Phó giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, chuyên kinh doanh các sản phẩm chế biến từ gỗ, nói như vậy tại hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ đô la Mỹ” diễn ra cuối tuần qua.

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhắc lại đúng một năm trước, lạm phát toàn cầu cùng với nhu cầu tiêu thụ ở nhiều nước sụt giảm khiến xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng ở mức cao đã tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp trong ngành. Rất may, trên cơ sở đề xuất của VASEP, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo triển khai gói tín dụng 15.000 tỉ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, trong đó thủy sản chiếm tới 74%. “Gói tín dụng này đã thành công cả về yếu tố thời gian và hiệu quả, đây thực sự là cú huých cho các doanh nghiệp thủy sản phục hồi và phát triển”, ông Nam xác nhận.

Không giống như các gói tín dụng ưu đãi khác – thường giải ngân rất ì ạch, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản giải ngân rất nhanh và về đích trước hạn. Theo kế hoạch, gói tín dụng này kết thúc vào ngày 30-6-2024, nhưng đến cuối tháng 1-2024, 13 ngân hàng thương mại đã giải ngân 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng. Kết quả này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm sản, thủy sản rất lớn; đồng thời cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Gói tín dụng này được đánh giá là một trong những giải pháp thiết thực, gỡ nút thắt tài chính cho các doanh nghiệp, giúp hai ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong tốp 6 ngành hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ đô la Mỹ.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô gói tín dụng này lên 30.000 tỉ đồng và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại. Theo thông tin từ NHNN, đến nay, các ngân hàng đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay hai lĩnh vực này với doanh số lũy kế đạt trên 17.500 tỉ đồng với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỉ đồng, đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỉ đồng. Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp – chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay; khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm 17%.

Đáng chú ý, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu giải ngân hết 30.000 tỉ đồng, NHNN sẵn sàng đề xuất lên 45.000 tỉ đồng, thậm chí 50.000 tỉ đồng, bởi đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay.

Đón nhận tin vui này, ông Trịnh Đức Kiên, Phó giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, đề xuất các ngân hàng xem xét tăng thời hạn cho vay, bởi hiện nay, lượng hàng tồn kho tăng lên nên nếu yêu cầu doanh nghiệp ngành gỗ 3-5 tháng phải đảo nợ sẽ rất khó khăn. Một khoản vay với lãi suất thấp hơn 1-2% trong thời hạn chín tháng sẽ thiết thực hơn với chúng tôi, ông Kiên chia sẻ.

Tương tự, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Nam Định cho rằng, vốn vay hiện nay chủ yếu là vốn vay ngắn hạn, trong khi để phục hồi sản xuất kinh doanh hơn nữa, doanh nghiệp này mong muốn được tiếp cận dòng vốn trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Đức Kiên, 97-98% doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa, tài sản bảo đảm chỉ có máy móc và hàng tồn kho, không có nhiều kênh khác như bất động sản. Do vậy, các ngân hàng cần xem xét để có cơ chế cho vay linh hoạt hơn, có thể dựa trên lượng hàng tồn kho hoặc theo hợp đồng mà doanh nghiệp ký kết được, thay vì yêu cầu có tài sản bảo đảm. Ngoài ra, ngân hàng có thể xem xét để tăng tỷ lệ tín dụng của doanh nghiệp vay vốn dựa trên uy tín của họ.

Để triển khai hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, Phó tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cũng đề nghị các ngân hàng cần xem xét để linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ, điều kiện tiếp cận vốn; đồng thời, xem xét nâng mức cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lên 50% trong tổng gói vay cho ngành thủy sản, thay vì chỉ khoảng 25-27% của 12.000 tỉ đồng trong gói tín dụng 15.000 tỉ đồng. Khi tăng đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ kích cầu, kéo các khâu nguyên liệu lên, tức người nông dân, ngư dân chăn nuôi, đánh bắt thủy sản sẽ được hưởng lợi.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú tiếp tục khẳng định tín dụng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được NHNN rất quan tâm. Đối với đề xuất tăng hạn mức cho vay, cho vay dựa trên hàng tồn kho…, ông Tú cho rằng, những vấn đề này thuộc thẩm quyền của các ngân hàng thương mại, vì thế các ngân hàng cần xem xét trên tinh thần đồng hành, thấu hiểu doanh nghiệp; khi ngân hàng thấu hiểu doanh nghiệp sẽ ra quyết định sát hơn, đúng hơn. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ trước nỗi lo về khả năng mất vốn của ngân hàng. Muốn ngân hàng đồng hành, chia sẻ thì doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính, từ đó ngân hàng mới xác định được dòng tiền và mạnh dạn cho vay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật