Cầu thủ Việt chơi quyết tâm vì ít tiền: Lời thật!

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Với mỗi cầu thủ Việt Nam, điều đầu tiên khi bước ra sân là thể hiện quyết tâm và không cần để ý những vấn đề khác“.
Cầu thủ Việt chơi quyết tâm vì ít tiền: Lời thật!
Tiền đạo Tiến Linh.

Đó là chia sẻ của tiền đạo Tiến Linh vào sáng ngày 1/1/2020 khi được hỏi về phát biểu của cầu thủ Thái Lan - Chanathip Songkrasin rằng, các cầu thủ Việt Nam ra sân với khát khao và kỷ luật là do có thu nhập thấp.

Bản thân Tiến Linh nói riêng và các cầu thủ của Việt Nam nói chung không quan tâm đến phát biểu của Chanathip Songkrasin. Tiền đạo của U23 Việt Nam cho rằng, phát biểu của cầu thủ Thái Lan không hợp lý.

"Tôi cũng như các cầu thủ Việt Nam luôn chiến đầu vì màu cờ sắc áo" - Tiến Linh nói.

Đúng như những gì Tiến Linh phát biểu, phát ngôn của cầu thủ người Thái Lan nếu được hiểu theo đúng nghĩa thì cho thấy một vấn đề lớn đang tồn tại ở môn thể thao vua nơi đất nước triệu voi. Khi mà vấn đề thương mại hóa dường như đang làm ảnh hưởng nhiều tới nền bóng đá Thái Lan.

Thái Lan được nhìn nhận là quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất ở khu vực Đông Nam Á. Cũng vì thế mà các cầu thủ thi đấu tại quốc gia này có thu nhập trung bình vào khoảng 20.000 - 30.000 USD/tháng. Họ cũng là quốc gia thường xuyên dẫn đầu về môn thể thao vua ở các giải đấu trong khu vực.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây thì mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Bóng đá Việt Nam từng bước đi lên, chiếm ngôi vua tại khu vực Đông Nam Á.

Người Thái không cam tâm với điều đó, họ bỏ ra tới 80.000 USD/ tháng để mang về HLV nổi tiếng Akira Nashino với hy vọng chiếm lại vị thế từ Việt Nam.

Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, mọi thứ vẫn không thay đổi. Mọi thành tích cao nhất trong khu vực Đông Nam Á đều thuộc về tay Việt Nam, những trận đối đầu với chúng ta, các cầu thủ Thái Lan cố gắng lắm cũng chỉ giành được một kết quả hòa.

Nếu như Chanathip Songkrasin nói thì có phải là: Tiền bạc đã làm hư lòng quyết tâm và khả năng thi đấu của các cầu thủ Thái Lan? Còn với bóng đá Việt Nam sống trong khó khăn thì mới mạnh mẽ vươn lên?

Đây cũng có thể được hiểu là chân lý đúng của cuộc sống chứ không riêng gì bóng đá. Và đó cũng là bài học cho sự phát triển bóng đá ở các nước Đông Nam Á, khi mà một bộ phận có quan điểm cho rằng, có rót nhiều tiền thì bóng đá sẽ càng phát triển.

Nhưng thực tế, dùng tiền không đúng cách sẽ khiến cho cầu thủ dễ "sinh hư" mà quên đi mất nhiệm vụ chính của mình là tình yêu với trái bóng và đáp ứng sự mong mỏi của người hâm mộ.

Những ông chủ người Ả Rập cũng có thời kỳ rót nhiều tiền để mua các đội bóng lớn ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... Ngay sau đó, họ rót thêm số tiền lên tới cả tỷ USD để mua về những cầu thủ thượng thặng nhưng rồi mọi thứ vẫn không thay đổi như kỳ vọng.

Một đội bóng chẳng thể làm lên thành công, duy trì sự thành công đó nếu như không có sự đoàn kết, đồng lòng và lớp tương lai kế cận, dù cho đội bóng đó có nhận được bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Một ngôi sao cũng chẳng thể gánh cả đội hình nếu như xung quanh họ không có được đồng đội hợp ý.

Để kết nối được những cá nhân trong đội bóng với nhau thì các cá nhân đều phải có chung một mục đích. Với bóng đá Việt Nam hiện tại là "tinh thần dân tộc", là ánh cờ đỏ sao vàng bên ngực trái mỗi chiếc áo đấu mà cầu thủ mặc ra sân thi đấu.

Ngay cả ông Park Hang Seo cũng đã ngậm ngùi xúc động đặt tay lên lá cờ Việt Nam mỗi lần ra sân cùng các học trò, trong những giây phút trào dâng nhất của chiến thắng, ông cũng không quên thực hiện hành động này.

"Tính đến lúc này, toàn đội đang có sự chuẩn bị tốt, mọi thứ đang đi đúng hướng. Cả đội đã sẵn sàng để có những trận đấu tốt ở giải đấu sắp tới. Với bản thân tôi cũng như những đồng đội đá cùng vị trí sẽ có những sự cạnh tranh công bằng để tìm suất đá chính, đóng góp cho đội tuyển U23 Việt Nam" - Tiến Linh kết lại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật