Phát hiện khảo cổ chấn động: Bãi cọc gỗ gần 1.000 năm tuổi - lắng hồn núi sông

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bãi cọc gỗ gần 1.000 năm tuổi vừa được khai quật tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một phát hiện rất quan trọng, làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân, dân nhà Trần trước quân xâ‌m lượ‌c Nguyên Mông.
Phát hiện khảo cổ chấn động: Bãi cọc gỗ gần 1.000 năm tuổi - lắng hồn núi sông
Các cọc gỗ gần 1000 năm tuổi liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 vừa được phát hiện ở Hải Phòng. 

Xem Video: Phát lộ bãi cọc gần nghìn năm tuổi bên sông Bạch Đằng

//

Nhận thức mới về chiến thắng Bạch Đằng

Vào chiều ngày 1/10/2019, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), một người dân phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Trên cơ sở phát hiện của người dân xã Liên Khê, viện Khảo cổ học (thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức 2 đợt khảo sát và phát hiện 9 cọc gỗ liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1288.

Đến ngày 22/11/2019, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TP Hải Phòng tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ thuộc xã Liên Khê. Kết quả, tại 3 hố được khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện 27 cọc gỗ khác. Kết quả giám định cho thấy, các cọc gỗ này có niên đại từ thế kỷ 13 - 15. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện 24 hố đất đen, phần lớn là các hố chôn cọc, cùng một số chứng tích đồ sắt và đất sét. Từ kết quả khai quật khảo cổ và niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ được phát hiện, kết hợp các nguồn tư liệu lịch sử, bước đầu, các nhà khoa học nhận định: Bãi cọc Cao Quỳ là trận địa có niên đại cuối thế kỷ 13 và liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên- Mông trên sông Bạch Đằng vào năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Vào chiều ngày 20/12, đoàn chuyên gia của viện Khảo cổ học, Hội Sử học và viện Địa chất Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo TP Hải Phòng thực địa tại bãi cọc cũng có nhận xét, các cọc cùng có chất lượng còn lại tốt hơn nhiều so với cọc tại bãi cọc Quảng Yên (Quảng Ninh). Bãi cọc được Trần Quốc Tuấn đóng dưới lòng sông Đá Bạc, tại ngã ba dẫn vào con lạch thông ra sông Giá, để ra cửa sông Bạch Đằng. Qua gần 1000 năm, phù sa bồi đắp, dòng chảy thay đổi, đặc biệt tác động của con người nên lòng sông bị thu hẹp và bãi cọc xưa giờ thành một phần cánh đồng.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ giúp các nhà khoa học, nghiên cứu, người dân cả nước có nhận thức mới đúng đắn, đầy đủ, khách quan, sát thực hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Phát hiện này khẳng định: Hải Phòng chính là nơi từng diễn ra các trận đánh và có đóng góp quan trọng trong chiến dịch chống quân xâ‌m lượ‌c Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.

Từ đó, thay đổi quan điểm trước đây là trận chiến Bạch Đằng chỉ diễn ra tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Mà đây là chiến dịch có quy mô rất lớn, diễn ra ở nhiều địa bàn… Chiến thắng này không chỉ thể hiện hào khí Đông A, niềm tự hào, tự tôn dân tộc Đại Việt, mà còn mang ý nghĩa quốc tế. Chính từ thất bại tại Bạch Đằng, vó ngựa quân Nguyên Mông phải ngừng mở rộng xâ‌m lượ‌c các nước Đông Nam Á và Nhật Bản….

 GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng nêu ý kiến: Từ phát hiện mới này, có nhiều căn cứ cho thấy Sở Chỉ huy chiến trường của chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 khả năng cao được đặt tại khu vực Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) hiện nay. Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ cho thấy nhiều khả năng các trận địa cọc tại Quảng Yên hiện nay là vị trí cuối trong trận địa do quân ta giăng ra.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, với phát hiện mới này, giới nghiên cứu sẽ phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử. Trước đây chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra với một điểm “neo” là bãi cọc được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh), và các nghiên cứu đều xoay quanh bãi cọc đó.

Qua bãi cọc ở Quảng Yên đã cho thấy ông cha ta không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền địch. Việc phát hiện bãi cọc ở Cao Quỳ cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc tìm thấy ở Quảng Yên. Vì thế, có lẽ chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ.

Từ trước, có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng ở Quảng Ninh hay ở Hải Phòng. Nay có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế dân hai bên bờ sông, hai địa phương đều có đóng góp. Xét về cấu trúc địa chất, việc ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn vì ở đây có núi non phù hợp với việc phục binh, bên Quảng Yên thì trống trải. Có khả năng lớn đây là nơi quân ta dụ địch vào để đánh.

 

“Đây là một di tích vô cùng quý giá. Ý tưởng xây dựng một bảo tàng tái hiện lại trận chiến Bạch Đằng sẽ làm sống lại khí thế hào hùng của thời chống quân Nguyên Mông, tái hiện lại sự đóng góp to lớn của nhân dân trong việc xây dựng trận địa này. Làm sao quân đội có thể lên rừng chặt cây gỗ rồi chuyển về, làm sao giữ được bí mật khi nơi đây cách Vạn Kiếp có mấy chục cây số, quân Nguyên Mông đóng ở đó nhưng không biết về trận phục kích?; Làm sao quân đội thời Trần biết được lúc nào triều lên, triều xuống mà đây là chế độ bán nhật triều (một ngày thủy triều lên, xuống 2 lần), phải có sự giúp đỡ của nhân dân. Những điều đó nếu được tái hiện ở bảo tàng sẽ giúp thể hiện nghệ thuật quân sự của cha ông và đóng góp của nhân dân ở trận chiến lịch sử Bạch Đằng. Việc phát hiện bãi cọc ở Cao Quỳ đã có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống ấy...”, GS.TSKH Vũ Minh Giang đề nghị.

Cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bãi cọc không bị  xâm phạm

GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đề nghị thành phố Hải Phòng cần có biện pháp để bảo vệ bãi cọc không bị xâm phạm. Hải Phòng cần triển khai ngay biện pháp bảo tồn và phát huy di tích; phải đưa ra khung pháp lý bảo vệ như hoàn thiện các thủ tục để đưa bãi cọc vào di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó, phải có cách làm tái hiện lại trận chiến thắng Bạch Đằng trên đất Hải Phòng để giáo dục cho các thế hệ.

Còn TS. Lê Thị Liên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, viện Khảo cổ học cho rằng: Phát lộ bãi cọc Cao Quỳ là phát hiện vô cùng sáng giá đối với ngành khảo cổ. Chiến thắng Bạch Đằng không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà mang dấu ấn quan trọng trong lịch sử thế giới. Do đó, từ lâu nay, các nhà nghiên cứu vẫn để công tìm kiếm những di tích, hiện vật... liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, đặc biệt bên khu vực sông Bạch Đằng phía Hải Phòng.

Đối với di tích này, sau khi làm hàng loạt các xét nghiệm cho thấy chứng cứ rõ ràng về bãi cọc liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Nếu tiếp tục theo hướng này, có thể tìm được nhiều hiện vật, chứng cứ hơn nữa liên quan đến trận chiến ở khu vực này.

Bãi cọc Cao Quỳ là cơ sở quan trọng góp phần chứng minh chiến thắng Bạch Đằng là chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Thế trận chống giặc ngoại xâm là thế trận “thiên la địa võng”, thế trận của toàn dân chứ không phải của riêng quân đội chính quy. Kiểu cắm cọc tại di tích cho thấy, đây không phải nhằm để phá vỡ tàu thuyền mà để làm hẹp dòng chảy, vừa để phòng thủ, che chắn, cũng để dồn quân giặc vào bẫy của quân ta...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật