Nghị lực phi thường của cậu bé không tay giành nhiều huy chương bơi lội

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để giành được huy chương trong bộ môn bơi bội, cậu bé không tay đã phải nỗ lực rất nhiều. May mắn làm sao, bên cạnh em luôn có mẹ cha động viên và ủng hộ.
Nghị lực phi thường của cậu bé không tay giành nhiều huy chương bơi lội
Abdul Qadir, cậu bé ‘vàng’ của làng thể thao Ấn Độ (Ảnh: Cảnh Sát Toàn Cầu)

Xem Video: Nghị lực của cô bé không tay, không chân

//

Abdul Qadir, cậu bé ‘vàng’ của làng thể thao Ấn Độ từng có một tuổi thơ vô cùng đơn giản, dễ thương và êm đẹp, nhưng vào năm 7 tuổi, trong một lần lên sân thượng, em không may chạm vào đường dây điện cao thế và bị thương nặng.

Mặc dù gia đình đã đưa em lên bệnh viện ở Mumbai để điều trị trong mấy tháng trời, nhưng vì vết thương bị nhiễm trùng nặng nên các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ cả hai tay để cứu sống em.

Mất tay, bầu trời của cậu bé 7 tuổi dường như sụp đổ, mẹ cha sốc không thể nói nên lời. Rồi đây tương lai của em sẽ ra sao, em còn quá nhỏ để đối diện với sự thật, em chỉ mới bắt đầu đi học, liệu rằng bạn bè có cười chê, người đời có thương hại và em sẽ làm sao để vượt qua nó?


Vậy mà trái với dự đoán, ông Hussain Indori, cha của Abdul Qadir liên tục nhận được sự động viên của bà con, hàng xóm và bạn bè.

Ai cũng nói, rồi cậu bé sẽ tự làm chủ tương lai của mình.


“Nhờ những lời an ủi này mà chúng tôi bình tĩnh lại và có suy nghĩ tích cực hơn. Chúng tôi không bao giờ coi cháu là người khuyết tật cũng như để cháu nghĩ mình là đứa trẻ tật nguyền”. – cha của em xúc động hồi tưởng.


Còn riêng với Abdul Qadir, bất ngờ thay em là một cậu bé rất hiểu chuyện, mặc dù nỗi đau vẫn luôn hiện hữu nhưng nhờ sự yêu thương, chăm sóc của gia đình cũng như sự khích lệ của cha chính là động lực giúp em vượt qua tất cả.


(Ảnh: Cảnh Sát Toàn Cầu)


Bố em cũng từng nói rằng, “nếu con không có tay, con vẫn có thể làm mọi thứ bằng chân”. Nghe lời bố, kể từ đó Abdul Qadir bắt đầu biến đôi chân chỉ biết đi, biết chạy nhảy của mình thành đôi tay khéo léo.


Em cũng sử dụng chúng để làm hết thảy mọi việc như một người bình thường từ việc học những kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày như mở cửa nhà, hay sử dụng điện thoại, laptop đến việc đạp xe, chơi bóng đá, viết chữ và bơi lội...


Thương và nể cậu bé không tay nhiều lắm, em còn nhỏ mà ý chí thật kiên cường, mạnh mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Có lẽ, khó khăn cuộc đời không hẳn là vận xui bởi nếu chúng ta biết vượt qua nó, để thấy sức sống của bản thân mãnh liệt tới cỡ nào.


Thương em bao nhiêu lại càng nể phục mẹ cha của em bấy nhiêu. Chính họ đã có cái nhìn thấu đáo, giúp con cái vượt qua giông bão của cuộc đời. Nghĩ thì đơn giản nhưng làm được có mấy ai.


(Ảnh:zeenews.india.com)


Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con không lành lặn đành nhẫn tâm bỏ rơi, có người chán nản buông xuôi. Vậy là chính họ, tự chấp nhận thất bại trước tiên, khiến đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều.


Trong khi cuộc đời, chẳng ai nói trước được điều gì, đến tuổi 70 chưa chắc đã vẹn toàn. Vậy thì sao ta không có cái nhìn tích cực và lạc quan hơn, như gia đình của cậu bé Abdul Qadir, không bao giờ tuyệt vọng và buông xuôi. Khó khăn cỡ nào cũng tìm cách giải quyết.


Bởi đôi lúc, chỉ cần còn sống là đủ hạnh phúc rồi và người khuyết tật chỉ kém may mắn chút thôi, còn lại thì họ vẫn là những con người rất đỗi bình thường, thậm chí là phi thường hơn cả chúng ta nữa.


Nỗ lực đạt huy chương, niềm tự hào của đất nước.


Trở thành một vận động viên bơi lội vốn không phải là điều đơn giản, ngoài năng khiếu còn cần cả một quá trình miệt mài luyện tập không ngừng. Vậy mà Abdul Qadir lại có thể làm được điều đó chỉ với đôi bàn chân.


Cậu bé không tay bơi lội khiến đất nước tự hào (Ảnh: Cảnh Sát Toàn Cầu)


Tất nhiên, trong quá trình phấn đấu, cậu bé cũng đã gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, mỗi khi được xuống nước, em luôn tỏ ra thoải mái, phấn chấn và thích thú. Với bơi lội, em có một niềm đam mê mãnh liệt và chính niềm đam mê này đã giúp em vượt qua những trở ngại ban đầu khi học bơi vì thiếu cả 2 tay.


Và giờ đây, Abdul Qadir không chỉ biết bơi mà còn bơi nhanh không thua gì các bạn bình thường, thậm chí còn giỏi hơn là đằng khác.

Không những thế em còn được đi thi đấu ở những giải lớn. Bằng đam mê và sự cố gắng cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, Abdul Qadir đã giành được nhiều huy chương vàng và bạc tại Thế vận hội Paralympic quốc gia.


Trước nghị lực đáng nể của em, một lãnh đạo người Ấn Độ đã từng xúc động phát biểu "Thật tốt khi thấy những người khuyết tật có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Ở mỗi cuộc thi, bất kỳ người nào chiến thắng cũng mang lại vinh quang cho đất nước và bất cứ khi nào cậu bé khoác trên mình lá cờ của đất nước, cậu sẽ làm cho quốc gia tự hào".


(Ảnh:zeenews.india.com)


Vậy đấy các mẹ ạ, chỉ cần nhìn một tấm gương nhỏ bé mà người lớn chúng ta lại được truyền cảm hứng rất nhiều. Dẫu biết sinh con ra, ai cũng mong con mình lành lặn và khỏe mạnh, nhưng biến cố cộc đời luôn là điều không thể lường hết.


Vậy thì lúc ấy, xin hãy nắm chặt tay con, hãy cho con biết rằng con vẫn có ích trong cuộc đời này, thậm chí con có thể làm được những điều phi thường để mẹ cha tự hào.


Giống như câu chuyện của Abdul Qadir, cậu bé không tay giành huy chương, chính là một tấm gương về nghị lực, là nguồn cảm hứng và sức mạnh cho không chỉ những người khuyết tật nói riêng mà cho tất cả mọi người nói chung.


Dù em không có tay để chạm vào người khác nhưng nghị lực vươn lên và thái độ sống tích cực của em đã chạm vào làm rung động trái tim của hết thảy mọi người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật