Điểm mặt chim sắt tung hoành trong tập trận Mỹ-Hàn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong tập trận “tinh thần bất khuất”, Mỹ không chỉ đem tới chiến đấu cơ tàng hình F – 22 hay F/A – 18E/F mà còn những phi đội tinh hoa của không lực Mỹ F – 15E, F – 16, A – 10.
Điểm mặt chim sắt tung hoành trong tập trận Mỹ-Hàn
Ảnh minh họa

Chiến đấu cơ “đại bàng” F – 15E

F – 15E là phiên bản máy bay cường kích tầm xa do tập đoàn McDonnell Douglas phát triển từ chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Boeing F – 15.

F – 15E bay lần đầu năm 1986, đây là biến thể nâng cấp toàn diện từ F – 15 với khả năng không chiến ngoài tầm nhìn, tấn công chính xác cao.

Máy bay do kíp lái hai người (phi công và sĩ quan kiểm soát hệ thống vũ khí) điều khiển. Vị trí ngồi của các thành viên đều lắp nhiều thiết bị điện tử phù hợp với nhiệm vụ riêng của mỗi người. Phi công được trang bị màn hình HUD và các màn hình tinh thể lỏng đa năng hiển thị các thông số kỹ thuật bay, tình trạng máy bay.

 

Sĩ quan kiểm soát vũ khí trang bị nhiều màn hình tinh thể lỏng đa năng hiển thị các thông tin từ radar, hệ thống tác chiến điện tử, cảm biến hồng ngoại, theo dõi tình trạng máy bay và vũ khí, các mối đe dọa trên không. Có quyền chọn lựa mục tiêu và sử dụng bản đồ động để dẫn đường.

Hệ thống điện tử hỗ trợ chiến đấu của F – 15E gồm: radar mạng điện tử quét chủ động (AESA) AN/APG – 63, radar ống kính đồng bộ APG – 70 cho ra bức ảnh độ phân giải cao, hệ thống chỉ thị và định vị LANTIRN, radar cảnh báo sớm AN/ALR – 56, radar gây nhiễu AN/ALQ – 135.

Hệ thống vũ khí của F – 15E rất đa dạng đáp ứng nhiệm vụ đối không, tấn công mặt đất, tiêu diệt mục tiêu trên biển.

 

Trong nhiệm vụ chiến đấu trên không, F – 15 được vũ trang tên lửa không đối không dẫn đường tầm nhiệt tầm ngắn AIM – 9LM (tầm bắn 8km), tên lửa không đối không tầm trung AIM – 7 (tầm bắn 45km) hoặc AIM – 120 (tầm bắn 50km).

Vũ khí không đối đất gồm tên lửa không đối đất AGM – 65 (tầm bắn 25km), bom có điều khiển GBU – 10/12/15/24.

 

Vũ khí không đối hạm là loại tên lửa quen thuộc AGM – 84 Harpoon.

Bên gốc cánh phải của máy bay còn lắp thêm một pháo “hỏa thần” M61A1 cỡ 20mm để không chiến tầm cực gần, tốc độ bắn siêu tốc 6.000 viên/phút.

F – 15E trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Pratt & Whitney F100 – 299, cho phép đạt tốc độ tối đa 2.650 km/h, tầm bay gần 4.000 km, trần bay 18.000 m.

“Chim cắt” đa năng F – 16

Máy bay chiến đấu F – 16 do tập đoàn Lockhedd Martin nghiên cứu, thiết kế và sản xuất. F – 16 trở thành chiến đấu cơ đa chức năng đầu tiên của không lực Mỹ đồng thời cũng là một trong những sản phẩm thành công nhất của ngành công nghiệp hàng không quân sự Mỹ. Hiện F – 16 có mặt trong thành phần không quân 25 nước trên thế giới.

 

F – 16 sử dụng radar do tập đoàn Northop Grumman phát triển, AN/APG – 68 cung cấp 25 chế độ không đối không, không đối đất riêng biệt cho phép phát hiện và theo dõi mục tiêu ở mọi hướng, theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu.

Hệ thống dẫn đường của F – 16 cực kỳ hiện đại. F – 16 là chiến đấu cơ đầu tiên của Mỹ được lắp hệ thống định vị toàn cầu GPS. Ngoài ra, còn hệ thống định vị quán tính, hệ thống định vị con quay hồi chuyển laze vòng LN – 39/93, hệ thống định vị địa hình Terprom, radar đo độ cao AN/APN – 232, hệ thống định vị trên không chiến thuật AN/ARN – 118…

 

Và còn rất nhiều thiết bị hỗ trợ bay, tác chiến, đối phó trả đũa điện tử trang bị trên F – 16. Khách hàng hoàn toàn có thể yêu cầu nhà sản xuất thay đổi, thêm hoặc bớt thiết bị này.

Hệ thống nhiệm vụ của F – 16 rất đa dạng từ chiến đấu chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, tới chống hạm tàu và áp chế hệ thông phòng không đối phương. F – 16 không chỉ mang tên lửa do Mỹ sản xuất mà còn có tên lửa do các nước Châu Âu thiết kế.

Nhiệm vụ không đối không, F – 16 mang tên lửa không đối không tầm ngắn AIM – 9, tầm trung AIM – 7, AIM – 120, tên lửa không đối không dẫn đường radar bán chủ động Skyfash do Anh sản xuất và tên lửa không đối không R550 Magic 2 của Pháp.

Nhiệm vụ tấn công mặt đất, F – 16 mang bom chính xác cao CBU – 87/89/97, tên lửa đối đất AGM – 65, tên lửa hành trình đối đất tầm xa AGM – 84E (phiên bản của AGM – 84) cùng bom và rocket không điều khiển.

 

Nhiệm vụ chống hạm tàu, F – 16 mang tên lửa không đối hạm AGM – 84 và AGM – 119 Penguin.

Đặc biệt, trong áp chế hệ thống phòng không đối phương F – 16 mang các loại tên lửa chống radar AGM – 45, AGM – 88.

Thuật ngữ “áp chế phòng không đối phương” xuất hiện từ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi đó, để đối phó các hệ thống tên lửa phòng không SA – 2, không quân Mỹ phát triển các loại tên lửa chống radar nhằm tiêu diệt đài radar điều khiển, vô hiệu hóa tên lửa bảo vệ an toàn cho các phi đội ném bom B – 52 vào đánh phá Hà Nội và các thành phố lớn đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm ném bom tàn phá miền bắc năm 1972.

Tất nhiên, với ý chí quật cường, tinh thần quả cảm, lối đánh sáng tạo, dũng cảm chiến đấu của toàn thể quân dân miền bắc Việt Nam, mưu đồ thâm độc “đưa miền bắc về thời kỳ đồ đá” của Đế quốc Mỹ đã thất bại thê thảm với 81 máy bay bị bắn rơi (trong đó có 34 pháo đài bay B – 52).

 

F – 16 trang bị một động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy General Electric F110 – GE – 129 hoặc Pratt & Whitney F100 – PW – 229. F – 16 đạt tốc độ tối đa 2.410 km/h, tầm hoạt động 4.220 km, trần bay 18.000 m.

“Tia sét” cường kích tầm cực gần A -10

“Tia sét” A – 10 là máy bay cường kích tấn công mặt đất chuyên dùng tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp và tấn công tầm cực gần hỗ trợ lực lượng mặt đất.

A – 10 do hãng Fairchild – Republic sản xuất, bay lần đầu năm 1972. A – 10 để lại dấu ấn đầu tiên trong chiến tranh vùng vịnh 1991, khi tham gia tiêu diệt nhiều xe tăng quân đội Iraq. Từ sau trận đánh nổi tiếng đó, “tia sét” A – 10 có thêm một danh hiệu là “sát thủ diệt tăng”. Chúng là nỗi khiếp sợ của bất kỳ một loại xe tăng nào trên thế giới, A – 10 trang bị hỏa lực cực mạnh.

 

Đầu mũi máy bay lắp một pháo GAU – 8/A sáu nòng cỡ 30mm bắn đạn xuyên giáp nặng 0,75 kg hoặc đạn xuyên giáp có lõi uranium nghèo nặng 0,43 kg, tốc độ bắn 2.100 viên/phút hoặc 4.200 viên/phút, tầm bắn 6.500 m.

 

Trên thân và cánh máy bay có 11 giá treo mang 7.260kg vũ khí các loại:

-Tên lửa không đối đất AGM – 65 dùng để tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, phương tiện vận chuyển dưới mặt đất, công sự chiến đấu. Tên lửa sử dụng nhiều phương thức dẫn đường khác nhau (dẫn đường bằng laze, tầm nhiệt, dẫn đường bằng tín hiệu vô tuyến). AGM – 65 lắp đầu đạn xuyên giáp mạnh. Tầm bắn của AGM – 65 khoảng 28 km, tốc độ cận âm.

 

-Tên lửa không đối không AIM – 9 trợ giúp A – 10 phòng vệ trước các tiêm kích đối phương trong trường hợp cần thiết. AIM – 9 dùng phương thức dẫn đường tầm nhiệt.

-Bom không điều khiển Mk 82/83/84, bom napan Mark 77.

-Bom chùm BL – 1, BLU – 27, CBU – 52/71.

-Rocket không điều khiển Hydra cỡ 70mm.

 

Buồng lái A – 10 bọc giáp chống đạn bảo vệ phi công. Bên trong bố trí màn hình HUD hiển thị ngắm bắn mục tiêu, hệ thống liên lạc bảo mật cao, hệ thống định vị chiến thuật và định vị quán tính, radar địa hình TERPROM, hệ thống định vị toàn cầu GPS.

A – 10 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy General Electric TF34 – GE – 100, tốc độ tối đa 706 km/h, tầm hoạt động 1.300 km, trần bay 13.000 m.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật