Trung Quốc với mục tiêu trở thành cường quốc điện hạt nhân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, trong khi đứng trước áp lực nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt và yêu cầu phải giảm mạnh lượng khí phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, Trung Quốc đã đề ra kế hoạch phát triển mạnh lĩnh vực điện hạt nhân nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển của nước này. Hiện nay, Trung Quốc có các dự án điện hạt nhân đang xây dựng gồm 11 nhà máy với 26 tổ máy có tổng công suất hơn 27 GW, trở thành nước có quy mô xây dựng các nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trên thế giới.
Trung Quốc với mục tiêu trở thành cường quốc điện hạt nhân
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Phúc Kiến
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ, trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Năm 2009, Trung Quốc tiêu thụ khối lượng năng lượng gồm dầu thô, than đá, năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên... tương đương 2.252 triệu tấn dầu mỏ, cao hơn 4% so với tổng khối lượng năng lượng mà Mỹ tiêu thụ. Ðể bảo đảm đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế, Trung Quốc có kế hoạch đầu tư cho lĩnh vực năng lượng khoảng 4.000 tỷ USD trong 20 năm tới, trong đó phát triển điện hạt nhân được chú trọng thúc đẩy.
Năm 2007, Trung Quốc đặt mục tiêu nâng công suất điện hạt nhân lên 40 GW vào cuối năm 2020. Nhưng do mục tiêu này có thể đạt sớm hơn năm năm, vì vậy Trung Quốc hiện có kế hoạch nâng sản lượng điện hạt nhân lên gấp tám lần vào năm 2020, tương đương 70 GW. Hiện Trung Quốc có 11 lò phản ứng hạt nhân phát điện thế hệ II đang hoạt động với tổng công suất 9,07 GW, chỉ chiếm 1,2% tổng sản lượng điện 874 GW/năm của nước này, trong khi điện sản xuất từ than đá chiếm 70%. 11 lò phản ứng hạt nhân nói trên thuộc sáu nhà máy điện hạt nhân được bố trí trên khu vực bờ biển phía đông Trung Quốc. Trong đó, ba lò sử dụng công nghệ nội địa, hai lò sử dụng công nghệ của Nga, bốn lò dùng công nghệ của Pháp, và hai lò dùng công nghệ của Ca-na-đa. Theo kế hoạch đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có 28 nhà máy điện hạt nhân với công suất chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điện của nước này.
Năm 1994, Trung Quốc đưa vào vận hành Nhà máy điện hạt nhân Ðại Á Loan nằm ở gần TP Thâm Quyến, đông-nam nước này. Ðây là nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn đầu tiên của  Trung Quốc, 70% sản lượng điện của nhà máy này được cung cấp cho Hồng Công và 30% cung cấp cho Quảng Tây. Nhà máy điện hạt nhân Ðại Á Loan gồm có hai lò phản ứng kiểu PWR- 900 do Công ty Pháp Phra-ma-tôm cung cấp, mỗi lò có công suất 984 MW. Năm 2002, Nhà máy điện hạt nhân Lĩnh Áo giai đoạn một (nằm gần Nhà máy điện hạt nhân Ðại Á Loan), gồm hai lò phản ứng kiểu PWR của Pháp đã đi vào hoạt động, toàn bộ lượng điện sản xuất được cung cấp cho năm tỉnh miền nam Trung Quốc. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của hai nhà máy điện hạt nhân Ðại Á Loan và Lĩnh Áo - 1, Tổng công ty Công nghiệp điện hạt nhân Trung Quốc đã thiết kế và chế tạo loại lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc ký hiệu CPR-1000 có công suất 1.000 MW. Tháng 12-2005, Nhà máy điện hạt nhân Lĩnh Áo giai đoạn hai đã được khởi công xây dựng với hai lò phản ứng CPR-1000, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2010.
Ðể thực hiện kế hoạch đưa Trung Quốc trở thành cường quốc điện hạt nhân, trong năm 2009, Trung Quốc đã quyết định xây dựng năm nhà máy điện hạt nhân tại bốn tỉnh, gồm Chiết Giang, Sơn Ðông, Quảng Ðông và Hải Nam, thuộc khu vực phía đông và nam lãnh thổ nước này. Tháng 4-2009, Công ty điện lực quốc gia Trung Quốc (NEA) đã khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Tam Môn tại tỉnh Chiết Giang. Ðây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ thế hệ III AP 1000 của tập đoàn Westinghouse có trụ sở tại Mỹ. Nhà máy sẽ được xây dựng theo ba giai đoạn, với số vốn đầu tư giai đoạn đầu lên tới hơn 40 tỷ nhân dân tệ (5,88 tỷ USD). Tổ máy phát điện đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Tam Môn với công suất 1,25 GW dự định sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2013 và tổ máy thứ hai sẽ được đưa vào vận hành năm 2014. Khi hoàn thành, Nhà máy điện hạt nhân Tam Môn sẽ có tất cả sáu tổ máy. Tháng 9-2009, Trung Quốc tiếp tục khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân mang tên Hải Dương tại tỉnh Sơn Ðông. Trong giai đoạn đầu, có hai lò phản ứng sẽ được xây dựng và cả hai đều sử dụng công nghệ thế hệ III AP 1000 của tập đoàn Westinghouse. Mỗi lò phản ứng có công suất 1,25 GW và hai lò sẽ lần lượt đi vào hoạt động vào tháng 5-2014 và tháng 3-2015. Mới đây, Trung Quốc đã khởi công xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại thành phố cảng Phòng Thành của tỉnh Quảng Tây, cách thị trấn Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam khoảng 60 km. Nhà máy điện hạt nhân này sẽ có sáu lò phản ứng hạt nhân loại CPR 1000 với công suất tối thiểu là 1 GW/lò. Các lò phản ứng CPR 1000 do Công ty Ðiện hạt nhân Quảng Ðông thiết kế dựa trên công nghệ nước ngoài. Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc sẽ đầu tư 24 tỷ nhân dân tệ (3,5 tỷ USD) để xây dựng hai lò phản ứng CPR 1000, mỗi lò có công suất 1,08 GW. Dự kiến, hai lò phản ứng này sẽ lần lượt hoạt động vào năm 2015 và năm 2016.
Dự kiến, đến tháng 12-2014, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành bốn nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ thế hệ III AP 1000 tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới. Nếu theo đúng kế hoạch này, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân thế hệ III AP 1000, trước cả Mỹ. Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Ðiện hạt nhân Trung Quốc (SNPTC) Vương Bính Hoa cho biết, đây chỉ là bước đi đầu trong việc làm chủ các nhà máy điện hạt nhân thế hệ III của Trung Quốc. Mục đích xa hơn của Trung Quốc là sẽ tự tạo nên một nhãn hiệu công nghệ điện hạt nhân tiên tiến với công suất lớn hơn do chính Trung Quốc sản xuất. Nhãn hiệu này là CAP 1400 (China AP1400). Với công nghệ CAP 1400, Trung Quốc sẽ nâng công suất 1,25 GW của công nghệ AP 1000 lên thành 1,45 GW mỗi lò. Tổng Giám đốc Vương Bính Hoa nhấn mạnh: "Chỉ có nắm được công nghệ điện hạt nhân hiện đại quy mô lớn, Trung Quốc mới có thể từ nước lớn về điện hạt nhân trở thành cường quốc điện hạt nhân, mới có thể giống như Mỹ, Pháp và Hàn Quốc xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật