Tạ Phong Tần - Người đàn bà và trang blog độc hại

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khoảng 3 năm trở lại đây, trên mạng Internet xuất hiện một blog có tên “Công lý - Sự thật“ mà tác giả của nó là một phụ nữ, tên Tạ Phong Tần. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như blog ấy cũng chỉ là một “nhật ký mạng“ bình thường như bao nhiêu blog khác - nghĩa là không gian riêng để người ta giao lưu học hỏi, trao đổi tâm tình, thư giãn giải trí…
Tạ Phong Tần - Người đàn bà và trang blog độc hại
Tạ Phong Tần.

Blog "Công lý-Sự thật" của Tạ Phong Tần lại là nơi chứa đựng những quan điểm sai trái, những luận điệu vu khống, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và hơn hết, là nơi để Tạ Phong Tần kiếm "đô la" từ những thế lực cực đoan, phản động ở nước ngoài…

Vài nét về Tạ Phong Tần

Sinh năm 1968 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Trong thời gian công tác tạI Sở Thương mại - Du lịch (TNDL) tỉnh Bạc Liêu, phát xuất từ những bất mãn cá nhân, Tạ Phong Tần viết bài gửi cho Đài BBC, gồm: "5 căn bệnh của công chức Việt Nam", "Chuyện thi cử ở Việt Nam", "Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh", "Đừng tận thu thuế để bần cùng hóa người dân", mà nội dung dựa vào một vài những sai sót, yếu kém của bộ máy Chính quyền Nhân dân ở địa phương để vơ đũa cả nắm, xuyên tạc sự thật mà cụ thể như bài: "Đừng tận thu thuế để bần cùng hóa người dân".

Trong bài viết này, Tạ Phong Tần cho rằng "Luật thuế thu nhập cá nhân chỉ nhằm vào những người nghèo làm ăn chân chính, còn những đối tượng khác đáng phải thu thì luật không nhắm vào".

Có thể nói, chỉ với một đoạn ngắn vừa nêu, đã thấy Tạ Phong Tần cố tình xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn. Thử hỏi "những đối tượng khác đáng phải thu thì luật không nhắm vào" mà chị ta viết, là những đối tượng nào? Qua báo chí, người đọc vẫn thường thấy những thông tin, đại loại như ca sĩ này đóng thuế thu nhập cá nhân mỗi tháng năm, bảy chục triệu, phòng mạch tư của bác sĩ kia đóng hai, ba chục triệu... thì họ có phải là "những đối tượng luật không nhắm vào" hay không? Chưa kể sau khi thăm dò ý kiến dư luận, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã nhiều lần điều chỉnh mà mục đích không ngoài việc giúp cho những người có thu nhập thấp, không phải chịu thiệt thòi.

Một cán bộ lãnh đạo Sở TMDL Bạc Liêu cho biết: “Phát hiện những việc làm sai trái của cô Tần, chúng tôi đã nhiều lần phân tích, thuyết phục cô Tần nên từ bỏ việc viết bài có nội dung xuyên tạc, sai sự thật nhưng cô ấy vẫn chứng nào tật nấy”.

Đến cuối năm 2006, do ý thức tổ chức kỷ luật kém, thường xuyên gây mất đoàn kết nội bộ, làm đơn tố cáo sai sự thật, Tạ Phong Tần bị cho thôi việc.

"Công lý" đôla!

Tháng 4/2007, Tạ Phong Tần rời Bạc Liêu lên TP HCM, rồi được nhận vào làm nhân viên pháp lý trong Công ty Đại Sinh Hàn Việt. Sau đó, thông qua người của Công ty này, Tạ Phong Tần làm quen với Nguyễn Văn Hải, biệt danh "Điếu cày" - đã bị phạt tù vì tội trốn thuế. Theo lời rủ rê của Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần gia nhập cái gọi là "Câu lạc bộ nhà báo tự do" (CLBNBTD).

CLBNBTD là nơi quy tụ những thành phần cơ hội, bất mãn, chống đối ở trong nước, với sự hà hơi, tiếp sức về tài chính của các tổ chức người Việt chống Cộng cực đoan ở nước ngoài. Sử dụng mạng Internet, những thành viên trong CLBNBTD đã tán phát hàng nghìn bài viết, nội dung chẳng khác gì những bài do Tạ Phong Tần gửi cho Đài BBC mà tôi vừa nêu ở trên - nghĩa là xuyên tạc, vu khống - vu khống và xuyên tạc theo kiểu "nói hoài, nói mãi thì thế nào cũng có người tin!".

Tháng 8/2007, Tạ Phong Tần đã gặp gỡ một số thành viên trong CLBNBTD tại một quán cà phê ở quận 3, TP HCM. Trong buổi gặp này, có mặt Nguyễn Văn Hải (chủ nhân blog Điếu cày), Phan Thanh Hải (blog BaSG), Vũ Quốc Tú (blog Uyên Vũ), Ngô Thanh Tú (blog Thiên Sầu), Lê Hồ Ngọc Điệp (blog Trăng đêm) và Tạ Phong Tần (blog Công lý - Sự thật). Sau này, khi được Cơ quan Công an mời lên làm việc, một thành viên trong nhóm đã khai rằng trong CLBNBTD, Lê Xuân Lập là chủ tịch danh dự, Nguyễn Văn Hải là chủ nhiệm, Tạ Phong Tần phụ trách trang Khoa học Pháp lý, Phan Thanh Hải là cố vấn pháp luật, Vũ Quốc Tú phụ trách trang Văn học Nghệ thuật, Ngô Thanh Tú phụ trách trang Du lịch Văn hóa.

Đặc biệt hơn nữa, thành viên ấy còn khai rằng kinh phí để trang web CLBNBTD hoạt động, là do một nhân vật hiện sống ở Canada, tên là Sỹ Hoàng, cung cấp. Cần nên biết rằng Sỹ Hoàng chính là Trung ương ủy viên của tổ chức khủ‌ng b‌ố Việt Tân ở hải ngoại, đồng thời cũng là người phụ trách trang web "Tự do ngôn luận" của tổ chức khủ‌ng b‌ố Việt Tân. Trên trang web CLBNBTD, Tạ Phong Tần đã lần lượt viết những bài, như: "Hèn", nội dung xúc phạm đến ngành Công an, "Cộng đồng mạng và ngày 19/12/2007", "Tường thuật biểu tình ngày 16-12-2007", nội dung ca ngợi, lên dây cót tinh thần của một số người có hành vi vi phạm pháp luật, và bài "Mời hay bắt người trái phép"...

Làm nhân viên pháp lý trong Công ty Đại Sinh Hàn Việt được mấy tháng, Tạ Phong Tần bị cho nghỉ việc. Tháng 5/2008, sau khi Nguyễn Văn Hải (Điếu cày) bị bắt vì tội trốn thuế, nhóm CLBNBTD tổ chức họp ở văn phòng luật sư Lê Trần Luật. Tại đây, Phan Thanh Hải đã giới thiệu cho Tạ Phong Tần làm quen với Lê Trần Luật rồi sau đó, Tần được Lê Trần Luật nhận vào làm việc với mức lương 4 triệu đồng/ tháng.

Nhiệm vụ của Tạ Phong Tần là soạn thảo luận cứ bào chữa cho nhóm "Bạch Đằng Giang" do Trương Minh Đức, Phạm Bá Hải thành lập dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Công Bằng, kẻ cầm đầu tổ chức phản động đảng Vì dân ở Mỹ, soạn thảo luận cứ bào chữa cho Phạm Thanh Nghiên, Phạm Văn Trội, Nguyễn Xuân Nghĩa thuộc cái gọi là "Khối 8406", cùng nhóm 8 người gây rối ở Giáo xứ Thái Hà. Không những thế, theo lời thừa nhận của Tạ Phong Tần, thì: "Nhiều lần viết bài, trả lời phỏng vấn của báo, đài nước ngoài. Nội dung nói xấu ngành Công an, nói xấu Nhà nước" mà cụ thể là tháng 3/2009, Tạ Phong Tần đã trả lời phỏng vấn của Anh Trinh, phóng viên Đài Hoa mai, thuộc đảng Vì dân, trả lời phỏng vấn của Bảo Khánh, phóng viên Đài Sydney Radio của tổ chức khủ‌ng b‌ố Việt Tân ở Australia, của phóng viên Hoàng Hà, Đài Chân trời mới - Việt Tân.

Vẫn theo lời Tạ Phong Tần: "Tính đến tháng 5/2009, tôi đã viết 864 bài trên blog Công lý -  Sự thật. Viết và trả lời cho các đài phát thanh BBC, RFI, RFA trên 100 bài. Cứ mỗi bài, BBC trả tôi 28 bảng Anh (khoảng 40 USD). Tổng cộng từ năm 2007 đến nay, tôi đã nhận được gần 15.000 USD từ nhiều báo, đài như vừa kể...".

"Công lý" bóp méo!

Như chúng tôi đã nói, khi cho ra đời blog Công lý - Sự thật, Tạ Phong Tần đã dùng nó để phô trương cái "tôi" của mình, để đánh bóng cá nhân mình và đồng thời cũng để tạo "hình ảnh" của mình với các tổ chức người Việt chống Cộng cực đoan ở nước ngoài nhằm kiếm tí đôla. Đọc hết những bài mà Tạ Phong Tần đã viết trên blog Công lý - Sự thật - chứ chưa kể đến những bài trên trang web CLBNBTD, hoặc trên các trang web của BBC, RFA, RFI, Chân trời mới, Hoa Mai..., ta sẽ thấy hầu hết đầu phát xuất từ những bất mãn cá nhân, cơ hội chủ nghĩa, theo đóm ăn tàn, theo voi hít bã mía chứ chẳng phải vì lý tưởng gì ráo trọi!

Nói có sách, mách có chứng, chúng tôi xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể: Khi Bộ Y tế dự định ban hành quyết định về tiêu chuẩn chiều cao, vòng ngực của người điều khiển xe gắn máy, thì ngày 21/10/2008, xuất hiện bài viết: "Hoan nghênh ngài Bộ trưởng Bộ Y tế" trên blog của chị ta. Xin trích ra đây một số đoạn để chứng minh về tư cách và nhân phẩm của Tạ Phong Tần: "Mấy ngày nay tui thấy quý vị phụ nam Việt Nam ráp nhau ào ào phản đối quyết định  33/2008/QÐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế mà tui mắc cười cho quý vị phụ nam Việt Nam quá chừng! Tại sao quý vị lại phản đối quyết định của ngài Bộ trưởng BYT? Tui chắc chắn những người phản đối nhiệt tình nhất là những người có vòng ngực lực sĩ dưới 70cm và không phải quan chức Nhà nước, bởi lẽ trong đời tui chưa bao giờ thấy quan chức Nhà nước nào có vòng ngực dưới 70cm cả. Ngược lại vị nào cũng béo nần nẫn...".

Bằng thủ pháp ẩn dụ, chỉ với một đoạn ngắn đó, Tạ Phong Tần đã "vơ đũa cả nắm". Chưa hết, Tạ Phong Tần, còn: "Mai mốt tui có thất nghiệp (tức không hành nghề Luật nữa) thì tui sẽ sắm thêm cái thước dây rồi trương bảng: "Cao 160cm, vòng ngực 96cm, nhận làm tài xế xe máy cho quý ông (lẫn quý em sinh viên) vòng ngực dưới 70cm đi làm (đi học)..." rồi từ đó, chị ta xỏ xiên Lực lượng Cảnh sát Giao thông: "Chú nào tui thấy ra đứng đường làm nhiệm vụ mà không mang thước dây theo là tui mắng liền: "Các anh làm ăn thế hả? Không có thước dây thì các anh đo bằng gì? Đo bằng gang tay à? Bộ các anh muốn dân chúng nói thẳng vào mặt các anh là "đồ dê xồm" hay sao? Thời buổi bi giờ, nam giới sờ nam giới thì cũng là "quấ‌ּy rố‌ּi tình dục" đó biết chưa? Rõ ngu ngốc!".

Thực tế cho thấy, quyết định về chiều cao và vòng ngực của người điều khiển xe gắn máy của Bộ Y tế đã vấp phải sự phản ứng trong nhân dân bằng những thư góp ý, bằng những bài báo trên các tờ báo mà trong đó, sự bất khả thi của quyết định được mổ xẻ dưới các khía cạnh nhân văn, khoa học, xã hội, và cuối cùng thì Bộ Y tế đã phải thu hồi quyết định này. Ấy thế mà trong bài viết của Tạ Phong Tần, người đọc không thể tìm đâu ra một chút thiện chí, xây dựng mà trái lại, nó thể hiện nhân cách của người viết, đến độ một người có nickname là chuanuy, đã viết phản hồi như sau: "...Tôi là người vẫn ái mộ chị Tạ Phong Tần qua những bài viết trên blog của chị. Nhưng thú thật là sau khi đọc xong bài “Hoan nghênh ngài Bộ trưởng Bộ Y tế”, tôi thật sự thất vọng vì cái cách phản ứng của chị với nhà cầm quyền cộn‌g sả‌n Việt Nam sao mà nó hèn hạ quá, thô bỉ quá. Chị cứ tưởng chị viết chửi bới theo kiểu Chí Phèo như thế thì sẽ được người ta hoan hô hay sao...".

Làm việc tại Văn phòng luật sư pháp quyền của Lê Trần Luật một thời gian, thì giữa Tạ Phong Tần và Lê Trần Luật xảy ra mâu thuẫn. Một nhân viên tại đây cho biết: “Cô Tần lừa tình ông Luật để lấy tiền và xui ông Luật bỏ cô T. (lúc này Lê Trần Luật chưa có vợ). Lấy máy tính của ông Luật đem biếu nhà thờ nhằm gây uy tín. Sau đó xin vào đạo Thiên Chúa với mục đích lợi dụng tôn giáo để làm chính trị”.

Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (Điếu cày) và Nguyễn Tiến Trung (Hải và Trung đang thụ án tù).

Để phản ứng, blog Công lý - Sự thật lập tức biến thành diễn đàn để chửi nhau với Lê Trần Luật, và mọi trò ma mãnh của Lê Trần Luật được Tạ Phong Tần tung hê lên hết: “Tôi không lừa tình bịp tiền, không cờ bạc hoang đàn, không mở miệng nam mô, tay gom vô túi...”.

"Nhân" sao, "cách" vậy! Một con người khi đã chẳng ra gì, thì lấy đâu tư cách. Trước những bài viết mang tính xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã nhiều lần mời Tạ Phong Tần lên tiếp xúc, đối thoại nhưng mười lần như chục, Tạ Phong Tần đều không đến. Thậm chí hễ nhận được giấy mời, thì chị ta lại sao chụp  rồi tung lên mạng để chứng tỏ với những tổ chức người Việt chống Cộng cực đoan ở nước ngoài, rằng chị ta là nhân vật "sáng giá".

Chưa hết, có lần khi anh Công an khu vực đến gửi giấy mời, chị ta chửi luôn, buộc chính quyền địa phương phải cưỡng chế. Thế là chị Tần sướng quá, chị tru tréo với Đài RFA, rằng Công an đàn áp chị ta, "bắt cóc” chị ta (?!). Sau này, chính Tạ Phong Tần đã thừa nhận: "Nhiều lần trả lời báo, đài nước ngoài, chủ yếu kể lại chuyện bị mời đi làm việc, bịa đặt nói xấu Lực lượng Công an, nói xấu Nhà nước..."...

Xuyên suốt qua tất cả những vụ việc vừa kể, có lẽ chỉ có thể kết luận về nhân cách của Tạ Phong Tần bằng một câu: Lập ra blog Công lý - Sự thật nhưng cách hành xử của Tạ Phong Tần lại chưa bao giờ thể hiện "công lý", còn những "sự thật" mà chị ta đã công bố trong những bài viết, nên gọi là "sự méo" thì chính xác hơn...

Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và khuyến khích mọi công dân có những ý kiến đóng góp, xây dựng vào những vấn đề quốc kế dân sinh và coi đó là kênh thông tin quan trọng để xây dựng chính sách, kế hoạch cho phù hợp thực tế, nhưng đó phải là những ý kiến có tính tích cực, xây dựng... còn cái kiểu lợi dụng dân chủ để xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách, và nói theo kiểu “Chí Phèo” như giọng lưỡi của Tạ Phong Tần thì cần phải xem xét dưới góc độ pháp luật

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật