Làng “nuôi con thiên hạ“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát/Giếng Đại Từ nước mát trong xanh/Dòng Tô uốn khúc lượn quanh/Đất nuôi trẻ nhỏ lừng danh trong ngoài“... Đó là câu ca đã gắn rất đúng việc mát tay nuôi trẻ với khung cảnh thiên nhiên thuận hòa của làng Đại Từ, một làng cổ nổi tiếng với nghề nuôi con nuôi của Hà Nội xưa.
Làng “nuôi con thiên hạ“
Cổng làng Đại Từ ngày nay.

Thương con cho bú sữa  Đại Từ

Lúc tôi ra đời, ông nội thấy tôi gào khóc mỗi đêm, nói với bố mẹ tôi rằng: Anh chị có thương con thì mang nó  về bú sữa Đại Từ đi. Ông xót cháu, nói vậy thôi, chứ ông biết, từ sau cải cách ruộng đất, đã không còn ai ở làng này nhận nuôi con nuôi.

Bản thân ông nội tôi, đã lớn lên bởi đôi dòng sữa mẹ, một của cụ  nội tôi, một của một cụ bà làng Đại Từ. Suốt cuộc đời ông, lúc nào cũng canh cánh trong lòng tình thương yêu hai người mẹ. Khi ông sinh được bố tôi là con trai duy nhất, ông cũng gửi bố tôi về làng này làm con nuôi. Đến khi bố tôi được 6 tuổi ông mới đưa theo lên chiến khu Việt Bắc.

chiến tranh loạn lạc, phân li, sau này ông không còn tìm lại được những người ở làng Đại Từ đã có công nuôi dưỡng. Ông nội vẫn kể rằng: Đại Từ có truyền thuyết về bà chúa nuôi con, có cả tượng bà chúa có đôi bầu sữa ở cổng làng. Tượng bằng đá, sau này không thấy nữa, không biết lưu lạc nơi nào.

Ông nội tôi đã lớn lên với lũy tre, bờ ao, giếng nước, với tiếng xay thóc, giã gạo đặc trưng của làng Đại Từ. Cả làng khi đó làm hai nghề chính là nghề làm gạo xáo và nghề nuôi con nuôi. Làm nghề gạo xáo phải làm rõ khéo, xay rõ khéo, không ra đớn hết thì lỗ vốn. Những đứa trẻ trong thành, chủ yếu là con nhà buôn bán, kẻ chợ, những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có, mới được gửi đến làng Đại Từ nhờ nuôi. Những đứa trẻ đỏ hỏn, có khi chưa đầy tuần tuổi đã được đem đến làng cậy nhờ nuôi giúp.

Lạ cái, ở nhà có  quấy khóc suốt ngày đêm, thì đến làng Đại Từ, bú sữa mẹ Đại Từ, nằm võng làng Đại Từ, hóng gió làng Đại Từ, đứa trẻ lại im thin thít, ăn no ngủ khì. Những người đàn bà nuôi con thiên hạ, vừa phải nuôi con mình vừa phải nuôi con người, nhưng cũng lạ, sữa lúc nào cũng không thiếu, người nhiều sữa thì còn nuôi ba đứa trẻ một lúc. Tối đến, khi các bé đã ngủ say, các mẹ mới bắt đầu làm gạo xáo.

Cứ thế, những đứa trẻ  lớn lên cùng nhau, không phân biệt con đẻ, con nuôi, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng chơi. Có nhà bắt (đón) con về sớm, khi hết khóc dạ đề, có nhà bắt con về tự nuôi khi con được 3 tuổi, cũng có nhà gửi con cho đến khi con đã trưởng thành, mới mang về dựng vợ gả chồng.

Cứ mỗi hai tuần hoặc mỗi tháng một lần, bố mẹ đẻ lại cho người gánh gạo, đỗ, đồ gia dụng, quần áo, và một thứ không thể thiếu là tiền xuống làng Đại Từ. Tiền do hai bên bố mẹ thỏa thuận, không nhà nào giống nhà nào vì những đứa trẻ gửi nuôi ở làng không đồng đều nhau về độ tuổi. Có nhà dư dả, thì còn cho bố mẹ nuôi của con mình thêm tiền. Nhà cụ nội tôi ở làng Yên Thái thì mang biếu thêm giấy. Tiếng lành về nuôi con mát tay nên trong làng Đại Từ lúc nào cũng đầy tiếng trẻ và tiếng ru.

Lý giải cái sự "mát tay"


Về làng Đại Từ, chúng tôi ngay lập tức đi tìm nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Tuấn Sán. Năm nay, cụ đã 96 tuổi. Những câu chuyện của cụ về "Đại Từ, mẹ nuôi thiên hạ", được lý giải hết sức khoa học.

Thôn Đại Từ được thành lập cách đây tối thiểu gần bảy thế kỷ, lúc đầu ở bờ sông Tô Lịch, sau dời vào địa điểm hiện tại ở ven hồ đầm Linh Đường, vốn xưa cũng là một khúc sông Tô Lịch cũ. Tên làng thể hiện sự đề cao đức tính thương yêu mọi người, lòng hiền từ, niềm yêu thương lớn lao đối với chúng sinh, muốn đem lại lợi ích, giải thoát mọi khổ não cho người đời.

Làng Đại Từ nằm tiếp giáp với dòng sông Tô, nơi thuyền bè tấp nập qua lại ở vùng này khi xưa, lại vừa nằm sát cạnh đầm Linh Đàm, vết tích của dòng sông Tô cũ. Phía đông là con đường cái quan, phía tây là sông Tô Lịch. Phía nam là đầm Linh Đường. Với địa thế nói trên, Đại Từ có cả một vùng thoáng đãng từ phía nam, luôn đem lại làn gió nồm tốt lành. 

Cụ giáo Vũ Tuấn Sán, nhà nghiên cứu văn hóa.

Ngoài ra, làng còn được hưởng tác động điều hòa khí hậu của khu đầm rộng bát ngát. Thêm đó, bao đời, làng Đại Từ có một quy hoạch rất đáng chú ý, làng nằm ven đầm, từ đông sang tây, vốn hình thoi dài, nên cả chiều dài hướng nam là dải đầm rộng mênh mông, ba phía kia là lũy tre dày kín.

Phụ nữ Đại Từ thường sống ngăn nắp, sạch sẽ, đức tính hiền từ, nhất là làng được ở vào địa thế thuận lợi, khiến con người được hưởng không khí thoáng đãng từ phía nam. Về phía bắc thì nhờ lũy tre dày đặc, tránh được những cơn gió bắc ác độc. Giếng nước ăn tốt lành cũng là một điểm lớn, có tính quyết định. Có lẽ vì những lí do trên, mà làng Đại Từ nổi tiếng mát tay nuôi trẻ.

Không bao giờ thiếu cái cối và đứa con nuôi

Chúng tôi tìm đến cao niên trong làng để được nghe kể chuyện "nuôi con thiên hạ". Cụ Nguyễn Tăng Thăng, 95 tuổi đang chống gậy đi trên con đường làng, gặp chúng tôi cười lớn: "Làng chúng tôi có dải đất hình cô Tiên, lành lắm.

Đất lành, dân cũng lành, thì nuôi được con thiên hạ thôi. Vợ tôi lúc trước đẻ thằng thứ hai xong cũng nuôi hai đứa con nuôi, là con Xuân và con Thu. Năm nay con nuôi chúng tôi đã ngoài 70 rồi, vẫn qua lại hỏi thăm nhau. Bà nhà tôi sinh con xong nhiều sữa lắm, cho con nhà người bú xong, con mình mới được bú. Tiền nuôi con người ta gửi mình mỗi tháng 300đ. Lúc nào cũng phải giữ cho con nhà người ta sạch sẽ, không bao giờ được để nhếch nhác, lỡ bẩn thỉu, ốm o, mang tiếng cả làng thì chết”.

Cụ Phạm Đăng Sáng, hội trưởng Hội Người cao tuổi tâm sự: Lúc trước, bà mẹ tôi cũng nuôi con nuôi. Khu nhà tôi được gọi là xóm Ngủ (xóm 6). Trẻ con chơi khăng, chơi chuyền, chơi đáo với nhau không phân biệt con nuôi hay con đẻ. Làng Đại Từ ngày trước, nhà nào cũng có hai thứ không bao giờ thiếu là cái cối (vì làm nghề gạo xáo) và đứa con nuôi. Lúc nào cũng có người đến làng hỏi xem nhà nào có người mới đẻ thì để đến xin gửi con. 

Cụ Nguyễn Tăng Thăng trò  chuyện với PV KH&ĐS ở làng Đại Từ.

Bà Tạ Thị Thảo cho biết: Làng Đại Từ có trên 30 dòng họ, dòng họ nào cũng nhận nuôi con nuôi. Riêng họ Trần thì nuôi ít hơn vì họ làm hàng tấm (hàng vải).

Rời làng Đại Từ, chúng tôi phát hiện ra thêm một điều nữa, là ngoài nuôi trẻ mát tay, đất làng hình như còn dưỡng các cụ rất... mát tay nữa. Những cụ Sán, cụ Thăng, đều gần trăm tuổi mà trí tuệ phi thường, minh mẫn, khỏe mạnh, nói chuyện không những uyên bác mà còn dí dỏm. Những cụ Phú, cụ Sáng, tuổi ngoài tám mươi, mà hào sảng, nói theo ngôn ngữ thời @ thì thanh niên còn phải chạy dài.

Sông hồ, đầm ao, làng mạc, đất đai đã bị thu hẹp nhiều, nhưng danh tiếng một làng Đại Từ, chuyên nghề nuôi con thiên hạ thì không hề bị thu hẹp một li một lai, trường tồn với những câu chuyện thật đẹp. 

Làng Đại Từ là một làng cổ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, thuộc huyện Long Đàm (Đầm Rồng), nay thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật