Loạn phí giao thông đường bộ

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không chỉ có nhiều trạm “thừa“, mà mức phí của các trạm thu phí đường bộ theo hình thức BOT còn gây bức xúc lớn cho người tham gia giao thông do được “đặc cách“ thu tối đa 2 lần mức thu quy định. Vì thế, trạm thu cho ngân sách thu 10.000 đồng/lượt ôtô con, trong khi trạm BOT thu tới 15.000 đồng, thậm chí như trạm Tào Xuyên (dự án đường tránh TP Thanh Hoá) thu tới 20.000 đồng/lượt ôtô con.
Loạn phí giao thông đường bộ
Ảnh minh hoạ

Trước thực trạng có nhiều trạm thu phí giao thông có mức thu phí khá cao gây bức xúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: Đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư số 90/2004/TT-BTC theo hướng thống nhất một mức thu... Tuy nhiên liệu đây có phải là giải pháp cơ bản?

"Rút" các trạm thừa

Bộ GTVT cũng cho biết, đang tiến hành rút bớt các trạm thu phí không bảo đảm về khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm là 70 km và các trạm hoạt động không hiệu quả. Ra đời được hơn 10 năm, nhưng việc thu phí của các trạm này đã phát sinh không ít vấn đề. Với mục đích tăng kinh phí cho công tác duy tu, sửa chữa đường bộ, năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch các trạm thu phí sử dụng đường bộ trên các tuyến quốc lộ (QL) bao gồm 62 trạm thu phí. Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ) là đơn vị triển khai xây dựng và lắp đặt toàn bộ các trạm thu phí trên.

Những năm gần đây, để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng các tuyến Quốc lộ theo hình thức BOT (doanh nghiệp xây dựng, khai thác một số năm rồi chuyển giao lại nhà nước) và cho phép các nhà đầu tư thu phí để hoàn vốn đầu tư. Do vậy, hiện nay số các trạm thu phí đã tăng thêm thành 67 trạm.

Hoạt động và phương thức thu phí được thực hiện theo Thông tư số 90 ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính. Trong đó, có quy định các trạm thu phí trên cùng một tuyến QL cách nhau không dưới 70 km. Hiện nay, một số tuyến QL sau khi có các trạm thu phí theo hình thức BOT đã không đảm bảo được khoảng cách theo quy định này.

Trước phản ánh của dư luận, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát tổng thể các trạm thu phí trên cả nước. Theo đó, dừng thu phí đối với các trạm có khoảng cách không phù hợp, các trạm có số thu thấp, các trạm đã hết thời gian thu hồi vốn, không đảm bảo an toàn giao thông, các trạm trên các tuyến đường đang được đầu tư nâng cấp cải tạo.

Ngày 20/5/2010, Bộ GTVT cũng đã có Văn bản số 3220/BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại các trạm thu phí đường bộ, trong đó kiến nghị tạm dừng thu phí 4 trạm, xoá bỏ 3 trạm thu phí. Được biết, đến nay Bộ Tài chính cơ bản thống nhất với đề nghị này và việc "rút" các trạm đang được xử lý.

Sửa mức thu cao bất hợp lý

Không chỉ có nhiều trạm "thừa", mà mức phí của các trạm BOT còn gây bức xúc lớn cho người tham gia giao thông, có trạm thu gấp 1,5 lần, có trạm thu gấp 2 lần mức phí chung.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Mức thu phí của các trạm thu phí trên các QL (kể cả thu phí nộp ngân sách hay thu phí hoàn vốn dự án BOT) hiện nay đều thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính. Riêng mức thu tại các trạm thu phí của dự án BOT được "đặc cách" thu tối đa không quá 2 lần mức thu quy định đối với các trạm thu phí nộp ngân sách. Vì thế, nên trạm thu cho ngân sách thì thu 10.000 đồng/lượt ôtô con, trong khi trạm BOT thu tới 15.000 đồng, thậm chí như trạm Tào Xuyên (dự án đường tránh TP Thanh Hoá) thu tới 20.000 đồng/lượt ôtô con.

Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ thống nhất một mức phí giao thông.

Thực tế, có mức phí này là do nhà đầu tư BOT đề xuất phương án tài chính thu phí hoàn vốn trên cơ sở tính toán kinh tế của dự án để đề nghị mức thu trình Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Do vậy, trên cùng một tuyến QL tồn tại nhiều mức thu khác nhau, gây thắc mắc của người tham gia giao thông.

 "Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư số 90 theo  hướng thống nhất một mức thu và như vậy đối với các trạm thu phí dự án BOT sẽ phải có phương án xử lý như kéo dài thời gian hoàn vốn để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư"- Công văn 3263/BGTVT-TC của Bộ GTVT khẳng định.

Còn nhớ, phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội của tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Văn Ba đã lên tiếng: "Tình trạng thu phí giao thông hiện nay rất lộn xộn và rất lạc hậu. Gần đây, đã từng áp dụng việc thu phí không dừng lại, bây giờ lại lắng xuống, không hiểu ý kiến chỉ đạo của Bộ thế nào? Chúng ta cần phải cải tiến, không thể để 5-6 người ở 1 chỗ thu, gây lãng phí và phiền hà cho người lái xe".

Thừa nhận thực tế công nghệ ở các trạm thu phí còn lạc hậu, sử dụng quá nhiều nhân lực, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Bộ này đã có chương trình hiện đại hóa các trạm thu phí. Đầu tiên là "thu phí một dừng", tiến tới "thu phí không dừng liên trạm". Tuy nhiên, việc "thu phí không dừng liên trạm" rất khó vì các trạm thu phí của các chủ đầu tư khác nhau, nguồn vốn khác nhau. Hơn nữa, việc thanh toán phí chưa đồng bộ, qua 1 hệ thống liên ngân hàng.

"Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và phải đồng bộ với các giải pháp quản lý khác nữa thì mới có thể thành công được trong cách trạm không dừng này" - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết.

Lập quỹ bảo trì đường bộ để thay trạm thu phí

"Bộ đã soạn thảo nghị định thành lập về quỹ bảo trì đường bộ và nếu quỹ này được thông qua thì có thể xóa các hệ thống trạm thu phí hoàn vốn bằng đầu tư của ngân sách Nhà nước và chỉ còn lại những trạm thu phí BOT do các nhà đầu tư đầu tư" - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết.

3 trạm thu phí được đề nghị xóa bỏ gồm: trạm thu phí Việt Trì (trên QL 2) do quá gần trạm BOT đường tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); trạm cầu Hồ (QL 38) có doanh số thu quá thấp và trạm trên quốc lộ 18 do quá gần trạm thu phí Phả Lại. Bộ GTVT cũng đề nghị tạm dừng 4 trạm thu phí khác, gồm: Yên Thành trên QL 7; Hồng Lĩnh trên QL 8; trạm số 3 trên QL 14; Sóc Sơn trên QL 3.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật