Báo chí quốc ngữ và đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Triển lãm báo chí quốc ngữ Việt Nam khai mạc sáng 16/6 tại Hà Nội, giới thiệu những ấn phẩm gốc quý hiếm từ năm 1865 đến năm 1954. Bên cạnh đó là tọa đàm nhấn mạnh công lao của học giả, nhà báo nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh.
Báo chí quốc ngữ và đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh
Các nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Yên Ba, Giáo sư Đỗ Quang Hưng tại buổi tọa đàm sáng 16/6 tại Thư viện Hà Nội.

Tọa đàm “Quá trình phát triển báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865 - 1954” nằm trong khuôn khổ triển lãm “Báo chí Việt Nam (1865-1954) - Quá trình hình thành và phát triển”. Hai chủ đề chính của tọa đàm là vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh trong nền báo chí Việt Nam, qua 2 tờ báo quốc ngữ nổi bật nhất do ông làm chủ bút, cùng lý do báo chí có mặt ở miền Nam Việt Nam trước miền Bắc.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) phân tích: “Có thể nói rằng báo chí Việt Nam chui ra từ cái ống tay áo của chế độ thu‌ộc đị‌a. Tại sao lại xuất hiện trước ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ? Cái ý của người Pháp khi ra tờ Gia Định báo thì ai cũng biết. Trước đó họ cho ra những tờ báo tiếng Pháp, nhưng về sau ra báo tiếng Việt. Đó là một quy luật, ở Bắc Kỳ cũng vậy. Sự xuất hiện của tờ Đăng cổ tùng báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đánh dấu thời điểm báo chí ra Bắc. Đến lúc đó nghề làm báo mới thực sự xuất hiện trên cả nước”.

Về lý do báo chí ra Bắc khá muộn, sau miền Nam khoảng 40 năm, GS Đỗ Quang Hưng cho rằng vì ở miền Bắc trước đó không có nghề in. Còn nhà báo Yên Ba bổ sung một lý do khác là chế độ chính trị khác nhau ở 3 miền vào thời điểm đó. Ở Nam Kỳ theo chế độ trực trị, thực dân Pháp sử dụng báo chí để cai trị, tiêu biểu là tờ Gia Định báo.

Theo các diễn giả, miền Nam là cái nôi đầu tiên, cái nôi thực sự của báo chí Việt Nam. Còn báo chí miền Bắc ra đời muộn nhưng có bổ sung, phát triển rất nhanh và đã trở thành một trong những trung tâm báo chí lớn nhất của cả nước, nhất là Hà Nội. Hà Nội hiện nay là trung tâm của mấy loại báo: chính trị xã hội, văn học nghệ thuật, học thuật.

Hai tờ báo quan trọng trong sự nghiệp làm báo của Nguyễn Văn Vĩnh nói riêng và nền báo chí Việt Nam nói chung được trưng bày tại triển lãm lần này là Đăng cổ tùng báoĐông Dương tạp chí. Cả hai tờ đều do nhà in ấn người Pháp Henry Schneider sáng lập, nhưng gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Văn Vĩnh.

Góc trưng bày ảnh nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh và các tờ báo do ông làm chủ bút, bao gồm Đông Dương tạp chí, Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn...

Đăng cổ tùng báo, hay còn có tên cũ là Đại Nam đăng cổ tùng báo, là sự tiếp nối của tờ Đại Nam đồng văn nhật báo (1892 - 1893). Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút trong phần lớn thời gian tồn tại của tờ báo từ tháng 3 đến tháng 11/1907.

Đăng cổ tùng báo là một dấu ấn đáng chú ý của xứ Bắc, về cả ý nghĩa chính trị xã hội vì nó gắn với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và ý nghĩa văn hóa, báo chí”, GS Đỗ Quang Hưng nhận xét. “Tên tờ báo có nghĩa là tiếng trống, xét riêng về mặt ngôn ngữ thì đã có bước tiến rất lớn. Tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh đảm nhận phần tiếng Việt, rất tuyệt vời. Tiếc là tờ báo này cũng chỉ sống được một quãng thời gian ngắn vì số phận của nó gắn với Đông Kinh Nghĩa Thục”.

Tờ Đông Dương tạp chí, ra đời năm 1913, là phiên bản phía Bắc của tờ Lục tỉnh tân văn. Theo nhà báo Yên Ba (báo Quân đội nhân dân), đây được xem là tờ báo văn học đầu tiên của Việt Nam. Trong vai trò là chủ bút của Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh đã tập trung được rất nhiều nhân tài về làm việc, cộng tác, trong đó có Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Đào Nguyên Phổ và cả Phạm Quỳnh (một thời gian ngắn).

GS Đỗ Quang Hưng cũng nhận xét: “Đỉnh cao của chữ quốc ngữ không gì khác chính là tờ Đông Dương tạp chí. Báo làm nhiệm vụ dạy chữ quốc ngữ cho người dân, hoàn thiện văn phạm và hệ thống chữ quốc ngữ, bên cạnh việc thực hiện chức năng báo chí rất hay. Dù vậy, nhiều người ác cảm thái độ chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật