Quá nhiều bất cập trong Nghị định mới về xử phạt vi phạm giao thông

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi điều 15 Nghị định 34 có quy định về xử phạt người vi phạm đất dành cho đường bộ thì thuật ngữ này lại không có trong Luật giao thông.
Quá nhiều bất cập trong Nghị định mới về xử phạt vi phạm giao thông
Ảnh minh họa

Ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP (NĐ 34) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, NĐ 34 mới ban hành vẫn còn một số điểm chưa hợp lý.

Thứ nhất, tại Điều 15 quy định về việc “xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ”. Trong khi thuật ngữ “đất dành cho đường bộ” lại không có trong Luật Giao thông. Luật Giao thông chỉ quy định: Đất của đường bộ (là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng) lẫn hành lang an toàn đường bộ (là dải đất dọc hai bên đường để bảo đảm an toàn giao thông, vẫn có thể cấy lúa, trồng khoai). Như vậy, đất dành cho đường bộ là thuật ngữ “ngoại đạo”, không thể bao gồm cả đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ. Điều 15 quy định như thế sẽ không thể xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, một trong những khâu đang yếu kém nhất về quản lý hạ tầng giao thông hiện nay.

Lỗi không đội mũ bảo hiểm có mức xử phạt là 200.000 đồng trong khi lỗi đi xe gắn máy không có gương chiếu hậu từ 80 - 200.000 đồng. Ảnh: T.N.Linh

Thứ hai, Điều 19, khoản 4, phần c chỉ quy định xử phạt người lái ô-tô “không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” chứ không quy định xử phạt người lái ô-tô không có bộ phận giảm khói và xả khí thải không đạt tiêu chuẩn giới hạn. Như vậy, nếu thực tế ô-tô có xả khói đen ngòm, cảnh sát giao thông (CSGT) trông thấy nhưng cũng không thể làm gì khi lái xe xuất trình đầy đủ giấy hoặc tem kiểm định đang còn hạn sử dụng? 

Thứ ba, phanh (thắng), đèn chiếu gần (đèn cốt), gương chiếu hậu… là những thiết bị an toàn hết sức cần thiết - bắt buộc đối với xe mô-tô, gắn máy, vì nó liên quan trực tiếp đến tai nạn giao thông (TNGT). Thế nhưng Điều 20 quy định chế tài phạt quá nhẹ, chỉ từ 80.000 - 200.000 đồng, trong khi, quy định không đội mũ bảo hiểm (không liên quan trực tiếp đến TNGT mà chỉ có thể hạn chế chấn thương sọ não khi xảy ra TNGT) thì Điều 9 quy định phạt tiền tới 200.000 đồng! Và ở Điều 9 này, Nghị định cũng “bỏ qua” quy định về chất lượng của mũ bảo hiểm mà điều này đáng ra phải được đề cập để hạn chế tình trạng mũ rởm tràn lan hiện nay.

Thứ tư, về lỗi vi phạm xe mô-tô, xe gắn máy từ tỉnh nọ mua bán, chuyển vùng về tỉnh kia; từ người này bán cho người kia mà không làm thủ tục chuyển vùng, sang tên đổi chủ ở Điều 33 chỉ quy định phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng là chưa thỏa đáng, làm khó cho CSGT khi xử lý TNGT; đồng thời dễ tiếp tay cho nạn trộm cắp xe diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Thứ năm, việc quy định khu vực nội thành đô thị để nhân dân chấp hành mức phạt sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như: địa giới hành chính, quy hoạch kiến trúc xây dựng, giá cả đền bù đất đai… Do đó, không nên chỉ giao UBND hai thành phố là Hà Nội và  TP HCM như tại Điều 57, khoản 6, mà nên giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp cùng UBND hai thành phố này với các bộ Xây dựng, Tư pháp… trình Thủ tướng ký - ban hành quy định (khu vực nội thành).

Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần xem xét lại những điều bất cập, khiếm khuyết nói trên và hiệu chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung để NĐ 34 hoàn thiện hơn - đi vào thực tế cuộc sống tốt hơn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật