“Công trường vàng” dưới chân cầu Á 1

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày tháng 3, dưới cái nắng gắt hơn 35 độ C, hàng chục người Pako ở huyện A Lưới cặm cụi đào xới dưới chân cầu Á 1, thuộc thôn Kơn Tôm, xã Hồng Hạ. “Công trường vàng” vào những ngày hạn hán, mất mùa, thu hút hàng chục lao động mỗi ngày.
“Công trường vàng” dưới chân cầu Á 1
Ảnh minh họa

Trưa, nắng như đổ lửa, nóng hầm hập dội xuống, nhưng đoàn người dưới “công trường vàng” dưới chân cầu Á 1 không vì thế mà giảm năng suất lao động. Già có, trẻ có, đàn ông có, phụ nữ có, người trong thôn có mà người từ các xã bên kéo về cũng góp  mặt. Tất cả họ cùng chung một mục đích: đi tìm miếng ăn trước mắt khi cái hạn hán, mất mùa đang đe dọa đời sống của chính họ.

Để giành chỗ khai thác vàng, ai cũng cố đi thật sớm, thế nên mới tờ mờ sáng “công trường” đã nhốn nháo. “Cơn bão vàng” mới rộ lên ở A Lưới trong khoảng 2-3 tháng trở lại đây, khi nước sông A Á xuống thấp vì hạn. Vàng ở đây chủ yếu là vàng sa khoáng, nằm lẫn trong cát đá sau đợt lũ vừa rồi.

Để lấy được vàng, người ta phải nạy từng tảng đá lớn, hì hục đào xới hàng chục gùi đất đá rồi mang ra giữa suối lọc tìm những hạt vàng li ti. Phương pháp thủ công này mang lại thu nhập khoảng vài chục ngàn đồng một ngày, nhưng cũng có những ngày không may mắn, cả ngày vất vả mà trắng tay.

Chị Hồ Thị Vèn, người xã Aroan, huyện A Lưới cho biết, từ sáng sớm, chị phải gửi 2 con nhỏ sang nhà ông bà để xuống dưới Hồng Hạ đãi vàng; đến chiều muộn mới về nhà. Thu nhập mỗi ngày của chị chỉ khoảng 30 ngàn đồng. “Không có ruộng, rẫy nên phải đi làm kiếm tiền mua gạo, mua sữa cho con thôi”, chị cho biết.

Cũng ngâm mình cả ngày trong dòng nước đục ngầu, khuôn mặt xạm đen vì nắng, mế Liêu (60 tuổi) cùng con gái cho biết làm thế này có bữa đủ tiền mua gạo, có bữa chẳng được gì. “Có ruộng, có rẫy thì có gạo ăn , không phải làm cực như ri mô” - vừa nói mế vừa đưa tay quệt dòng mồ hôi trên khuôn mặt già nua.

Không có việc làm, những thanh niên ở các xã vùng cao cũng coi đây là công việc chính để giải quyết miếng ăn trước mắt. Hồ Văn Thành, 23 tuổi, tốt nghiệp lớp Tin của trường Trung cấp Âu Lạc , chưa xin được việc nên cũng như các thanh niên khác xuống Hồng Hạ đào đãi vàng. “Chưa có việc, phải đi làm tạm để phụ giúp thêm cho gia đình. Năm ni hạn hán, mất mùa, không có gạo như mọi năm đâu” - Thành cho biết.

Vì miếng ăn trước mắt, người dân nơi đây đành chấp nhận làm cái việc bị chính quyền địa phương ngăn cản. Một thanh niên giải thích giản đơn: “Xã có nuôi ăn mô, dân phải làm để có cái ăn chứ!”.

Một vài hình ảnh ở “công trường vàng” dưới chân cầu Á 1:















 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật