Vịnh Nha Trang: Rừng Đầm Bấy hồi sinh

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước thảm cảnh “thiên đường xanh“ Đầm Bấy xác xơ đến thảm hại, một kế hoạch phủ xanh rừng được chính quyền địa phương triển khai. Sau một thời gian được dưỡng trồng, đã có những mầm sống, sắc xanh hiện diện trên vùng đất chết.
Vịnh Nha Trang: Rừng Đầm Bấy hồi sinh
Đất chết… Đã hồi sinh.

thu‌ộc đị‌a phận phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), rừng Đầm Bấy với sự hiện diện của nhiều loài cây ngập mặn như sú, vẹt, đước… từng một thời phủ xanh khu vực Đông Nam đảo Hòn Tre. Nhưng vì lòng tham và lối hành xử tệ bạc mà con người đã biến "thiên đường xanh" xác xơ đến thảm hại. Trước thảm cảnh đó, một kế hoạch phủ xanh rừng Đầm Bấy được chính quyền địa phương triển khai. Và sau một thời gian được dưỡng trồng, đã có những mầm sống, sắc xanh hiện diện trên vùng đất chết.

Xơ xác vì lòng tham con người

Cách Cảng Cầu Đá khoảng 40 phút tàu máy, như hệ thống rừng ngập mặn trên các đảo Trí Nguyên, Hòn Miễu, Bích Đầm, Vũng Ngán, Hòn Một, Vũng Me…, rừng ngập mặn Đầm Bấy là quà tặng vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho cư dân bán đảo Hòn Tre nói riêng, thành phố Nha Trang nói chung.

Ông Trần Văn Mười, sinh năm 1942, cư dân cố cựu của vùng quả quyết: "Không chỉ có tác dụng giữ đất, che chắn gió bão, rừng Đầm Bấy còn hào phóng cung cấp nguồn lợi lâm - thủy sản phong phú cho cư dân địa phương. Vào những năm 90, rừng Đầm Bấy vẫn còn rậm, bà con có cuộc sống ấm no, ổn định nhờ khai thác cây khô và đánh bắt thủy, hải sản. Hồi đó tôi chuyên kiếm sống bằng nghề bẫy cua, moi ốc. Có khi chưa đến 1 giờ đồng hồ là đã tóm được bốn "em" cua to đùng cùng giỏ ốc nặng hơn ba ký".

Ông Lê Văn Sáu nhà ở gần đấy hồi tưởng: "Mỗi khi mưa bão, dân tình đâu có ngán. Chỉ việc vào giữa rừng sẽ được cây cao bóng cả che chắn hết. Bão to cỡ nào cũng chẳng sợ. Sau này rừng bị trụi lủi, hễ có giông gió một chút là ai nấy run sợ bởi bức tường thành che chắn không còn".

Thiên nhiên phải mất hàng trăm năm với bao cuộc chuyển biến mới kiến tạo được khu rừng nhưng con người chỉ mất chưa đầy một thập kỷ là hoàn thành việc hủy hoại. Những nơi mà ngày trước tôm cá loi nhoi giờ lần lượt nhường chỗ cho ao, đìa, đầm, phá… nuôi tôm công nghiệp được be bờ kiên cố với máy tạo khí, sủi bọt ngổn ngang.

Vì cần củi để hầm than, cần gỗ làm nhà… mà người ta chặt phá rừng không thương tiếc. Những thân cây đước, mắm, bần to đùng với cành lá sum suê dần chỉ còn gốc rễ sạm đen.

Đất chết đã xanh trở lại!

Một thời gian dài, rừng ngập mặn Đầm Bấy rộn rã âm thanh chát chúa của tiếng máy xúc, máy ủi, tiếng cưa, đục, chặt đẽo… Cả tiếng mặc cả, sang nhượng của những chủ đất, chủ đìa giàu có, thế lực.

Ông Sinh, 72 tuổi, lắc đầu: "Rừng bị tàn phá đồng nghĩa với hệ sinh thái bị đảo lộn, phá vỡ khiến nhiều loài sinh vật từng sống lúc nhúc dưới các tán rừng liên tục bặt bóng. Không còn bức tường thành vững chãi che chắn, xóm làng từng ẩn sau màu xanh của rừng ngày nào hiện đang đối mặt với nhiều mối nguy như nạn xâm thực, xói lở, ô nhiễm môi trường, mặn hóa đất".

Những cư dân cố cựu của vùng cho biết, trước thực trạng rừng Đầm Bấy bị xâm hại ngày một nghiêm trọng, từ năm 2005, Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã tiến hành trồng thử nghiệm 10 ha rừng ngập mặn gồm sú, vẹt tại khu vực đảo Đầm Bấy với hy vọng khôi phục lại rừng ngập mặn xưa.

Nhờ được tuyên truyền nên cư dân khóm đảo dần ý thức "còn rừng là còn sự sống" nên ai nấy đều dốc lòng vun bón, như thể muốn chuộc lại những lỗi lầm cưa, chặt ngày trước. Được chăm sóc kỹ nên những cây bần, cây đước dần bén rễ, bám sâu vào lòng đất, tán mỗi lúc một vươn rộng. Sắc xanh của rừng ngập mặn ngày nào dần được khôi phục trong niềm vui của cán bộ chuyên trách và cộng đồng khóm đảo Đầm Bấy.

Đưa chúng tôi đi giữa cánh rừng được tái sinh đang lớn dần từ sự chuộc lỗi của con người với tự nhiên, chỉ vào những gốc rễ vững chãi bám chặt vào lòng đất với cành lá xanh um tràn đầy sức sống, ông Mười bày tỏ niềm vui: "Hồi rừng bị triệt hạ sạch trơn, tôi cứ nghĩ mình vĩnh viễn không còn được nghe tiếng con nước len lỏi qua những ghềnh gộp và bản hợp xướng tíu tít, líu lo của đám chim bói cá, cò bợ, gà nước… Bây giờ thì tạm ổn rồi. Dạo gần đây, chim, cua xuất hiện ở rừng ngày một nhiều. Điều đáng mừng là bà con bây giờ ý thức lắm, không chặt phá, bắn bẫy vô tội vạ như ngày trước nữa đâu".

Rời Đầm Bấy, chúng tôi vui với niềm vui của cư dân khóm đảo. Câu chuyện về sự hồi sinh của rừng ngập mặn nơi đây lại một lần nữa minh chứng cho chân lý: "Một khi có tấm lòng và ý chí, con người ta có thể làm được mọi chuyện tưởng không thể thành có thể".

Ông Mười tiễn chúng tôi trở về đất liền với tâm tình: "Tôi mong thời gian tới, rừng ngập mặn Đầm Bấy sẽ được lãnh đạo thành phố cho nới rộng phủ xanh khắp khóm đảo để các thế hệ con em của những người được sinh ra, lớn lên từ sự đùm bọc, che chở của rừng tự hào rằng cha anh chúng đã không bạc đãi với tự nhiên. Khi ấy thay vì oán trách, chúng sẽ hàm ơn các thế hệ đi trước đã tặng cho chúng báu vật sống vô giá mà dẫu có tiền muôn bạc vạn cũng không thể nào mua được…"

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật