Cựu binh Hàn Quốc muốn xóa ám ảnh chiến tranh ở Việt Nam

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ám ảnh bởi tội ác trong những vụ thảm sát ở Bình Định hàng chục năm trước, cựu lính đánh thuê Nam Hàn Lee Wook Seok dành thời gian cuối đời nỗ lực hàn gắn vết thương bằng những chương trình từ thiện.
Cựu binh Hàn Quốc muốn xóa ám ảnh chiến tranh ở Việt Nam
Ông Lee Wook Seok tại lễ tạ lỗi trong kỉ niệm 50 năm vụ thảm sát Gò Dài. Ảnh: Phương Thảo.

Có mặt tại lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Gò Dài (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định) vài ngày trước, ông Seok (67 tuổi, người tỉnh tỉnh Kyoung Gi) kể cho rất nhiều thanh niên Hàn Quốc về những vụ thảm sát, những đợt càn quét mà lính đánh thuê Nam Triều Tiên khi ấy thực hiện ở vùng đất Bình Định.

Trải lòng về ký ức năm xưa, ông cho biết được điều sang tham chiến tại Việt Nam vào tháng 10/1971 khi mới 22 tuổi. Khi đó ông là lính lục quân đóng tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát (Bình Định), biết rất rõ về vụ thảm sát Gò Dài xảy ra trước đó 5 năm khiến 1.000 người dân ở đây thiệt mạng. Vài tháng sau, ông bị thương trong một trận càn quét người dân dẫn đến liệt nửa người, được đưa bằng trực thăng vào Sài Gòn điều trị sau đó quay trở về Hàn Quốc. Sau hơn một năm điều trị ông mới bình phục.

Khoảng thời gian điều trị là lúc những hình ảnh tang tóc, chết chóc, tiêu điều của người dân - nơi những trận càn mà đoàn quân của ông đi qua - ám ảnh tâm trí người lính trẻ. Lúc đó, ông nguyện nếu còn sống sẽ quay trở lại Việt Nam, quay về nơi quân đội Nam Hàn đóng khi ấy để tự mình "chữa những vết thương ngày cũ" do ông và đồng đội mình gây ra.

Sau khi xuất viện, ông Seok làm đốc sự cho một nhà thờ Tin lành, đến năm 1976 lập gia đình. Tuy nhiên, nỗi đau về chiến tranh ở Việt Nam vẫn không nguôi ngoai, quyết tâm quay trở Việt Nam trong ông vẫn thường trực. Ông dùng khoản tiền công từ việc làm đốc sự nhà thờ, tiền trợ cấp của nhà nước Hàn Quốc cho người lính tham chiến tại Việt Nam tham gia một khóa học Thần học (1987). Đến năm 1993 ông tốt nghiệp khóa học và bắt đầu dự định trở lại Việt Nam.

"Mặc cảm từng tham gia chiến tranh, gây nỗi đau nên tôi do dự rất nhiều. Phải đến năm 2000 tôi mới có chuyến quay lại Việt Nam lần đầu tiên nhưng không dám về thẳng Bình Định mà đến TP HCM rồi bay ra Đà Nẵng. Ở đó 17 ngày tôi mới vào Bình Định, thuê xe ôm đi khắp huyện Phù Cát, qua những vùng mà lính Nam Hàn từng đóng quân", Seok chia sẻ. Ông cho biết đã rất chạnh lòng khi chứng kiến cuộc sống của người dân lắm cơ cực. Từ đó, ông trở về nước với tâm nguyện kêu gọi sự giúp đỡ để trở lại Bình Định.

Ông Seok cùng nhiều bạn bè trong chương trình từ thiện tại Bình Định. Ảnh: Phương Thảo. 

Năm 2007, ông sang hẳn Việt Nam và định cư tại quận 7, TP HCM. Từ đó đến nay, mỗi tháng ông lại ra Bình Định một lần làm công tác từ thiện. Hàng năm, khoản tiền từ thiện mà ông huy động được từ những con chiên trong họ đạo ở nhà thờ Hàn Quốc mà ông làm đốc sự và bạn bè, doanh nhân… là gần 1 tỷ đồng, thông qua Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định hỗ trợ cho các hộ nghèo trong tỉnh.

Ngoài việc tự đi quyên góp, thời gian gần đây ông còn kêu gọi sự hỗ trợ từ các giảng viên, sinh viên trường Đại học Han Yang cùng vận động, ủng hộ làm từ thiện ở Việt Nam.

Ông bảo, một mình thì chỉ làm được những điều nhỏ bé nhưng với sự giúp sức của nhiều người sẽ thổi bùng lên một ngọn lửa lớn. "Tôi kêu gọi sự giúp đỡ từ các sinh viên, giảng viên của trường Đại học Han Yang không chỉ làm từ thiện mà còn dạy cho các sinh viên tấm lòng nhân ái. Việc kết nối này ngoài mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh còn để thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giữa hai tấm lòng người Việt và người Hàn", ông nói.

Những năm qua dấu chân tình nguyện của ông Lee Wook Seok có mặt ở nhiều nơi đến với những người dân nghèo. Ông giúp họ tiền xây nhà, hỗ trợ kế sinh nhai, trao học bổng cho con em, trao xe đạp cho học sinh. Những cố gắng, nỗ lực của ông dần dần được người dân nơi đây ghi nhận, họ gọi ông bằng cái tên thân mật: "Ông Hàn Quốc".

Seok tâm niệm những hoạt động từ thiện phần nào hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam và giúp ông nhẹ lòng. Ảnh: Phương Thảo.

Là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được ông Seok giúp đỡ, gia đình anh Bùi Văn Dư ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, đã vay được một khoản tiền ưu đãi 40 triệu đồng xây lại căn nhà dột nát bao nhiêu năm. Nhiều gia đình khác cũng nhận được sự giúp đỡ từ quỹ của ông Lee Woo Soek.

"Mỗi lần giúp được trường hợp khó khăn là tôi lại thấy nhẹ nhõm đi một ít. Tôi tự an ủi rằng, mình đang làm những việc rất nhỏ thôi để chữa lành vết thương chiến tranh ngày nào. Nỗi ám ảnh thời trai trẻ của tôi cũng theo đó mà nhẹ đi một ít", ông Seok trải lòng.

Theo Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Bình Định Hà Văn Cát, ghi nhận những đóng góp của ông Lee Wook Seok, năm 2014 UBND tỉnh Bình Định đã trao bằng khen cho ông về những hoạt động nhân đạo. "Tâm nguyện của người lính Nam Hàn năm xưa là được về Bình Định định cư, mở quán trà nhỏ kinh doanh để làm từ thiện và dạy tiếng Hàn cho những bạn trẻ có nhu cầu", ông Cát cho biết.

Từ ngày 23 đến 26/2/1966, hơn 1.000 người dân thường của xã Bình An cũ bị lính đánh thuê Nam Triều Tiên giết. Chỉ trong một giờ ngày 26/2, 380 dân thường ở thôn Gò Dài đã bị giết, 1.950 ngôi nhà bị phá hủy. Những nạn nhân được chôn chung cùng một hố và người làng lấy 26/2 làm ngày giỗ chung của cả làng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật