Thí sinh ‘nhăn nhó’ vì đề sử hay mà...khó?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kết thúc môn thi lịch sử, nhiều thí sinh ở điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk nhận định đề thi năm nay hay nhưng khá hóc búa, không nhiều câu hỏi tái hiện kiến thức mà đi theo hướng mở và có tính đột phá.
Thí sinh ‘nhăn nhó’ vì đề sử hay mà...khó?
Ảnh minh họa

Đắk Lắk: Cần kỹ năng tổng hợp sự kiện

Với đề này, bên cạnh việc thí sinh phải học thuộc sự kiện, thì còn phải hiểu và xâu chuỗi, liên hệ các sự kiện lại với nhau.

“Đặc biệt có một câu liên hệ từ chiến thắng của nhân dân ta trong lịch sử đến trách nhiệm của thanh niên thời nay, đây là cấu trúc mới của đề, kíc‌h thí‌ch sự hứng thú của tụi mình” - Phan Văn Ái (huyện Ea Kar) cho biết.

Bạn Huỳnh Huy Hiển (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) nhận định: “Theo em, đề thi môn lịch sử năm nay rất hay, không đi vào phân tích sự kiện, học thuộc sự kiện mà phải nêu được tầm vóc và ý nghĩa của vấn đề đặt ra”.

Đề thi đáp ứng được sự phân hóa năng lực, tư duy của thí sinh, phải có kiến thức thì mới mong đạt được điểm 8 trở lên, đó là ý kiến của em Ngô Thị Như Quỳnh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). “Nếu chỉ học thuộc lòng máy móc thì em nghĩ chỉ làm được 4 điểm thôi, mình phải thật sự hiểu thì mới mong đạt điểm cao”  Quỳnh cười

Thí sinh thảo luận về môn Lịch sử - Ảnh: Tiến Thành

Lúc 10g10, lác đác thí sinh ra khỏi phòng thi trường ĐH Tây Nguyên.

Nhận định về đề thi, thí sinh Đinh Văn Tới (Thị xã Buôn Hồ) cho biết đề thi năm nay khá khá. "Đề thi năm nay không chỉ đòi hỏi nhớ các dữ kiện lịch sử mà còn đòi hỏi thí sinh phải tư duy, phân tích và tổng hợp vấn đề" - Tới nói.

Thí sinh Trần Thị Mai Phương (TP.Buôn Ma Thuột) cũng cho rằng đề thi năm nay có nhiều phần mở rộng và khá dài.

Được biết trong ngày thi cuối cùng, tại cụm thi ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk)  chỉ có 6/25 điểm thi có thí sinh  dự thi môn Lịch sử.

* Tiền Giang: Đề sử dễ làm. Đúng 10g, mới chỉ hai phần ba thời gian nhưng hàng trăm thí sinh đã cùng rời phòng thi, ra khỏi điểm thi trường Đại học Tiền Giang. Đa số thí sinh đều cho biết đề sử không khó, đều làm được hết bài thi nhưng ...không biết được bao nhiêu phần trăm đúng.

Thí sinh Cẩm Giang, đến từ trường THPT Phan Văn Trị, Giồng Trôm, Bến Tre, cho biết hai câu đầu kiến thức sát chương trình và em có thể làm được. Nhưng hai câu còn lại dạng đề mở, Cẩm Giang làm hết nhưng không tự tin lắm. "Phải chờ đáp án mới biết được", Cẩm Giang nói.

Tương tự, thí sinh Bùi Trường Khánh Băng, học sinh tường THPT Dưỡng Điềm, Tiền Giang, cũng cho biết: "theo em thì đề tương đối dễ, em làm được toàn bộ và làm rất tốt hai câu đầu, hy vọng sẽ em sẽ được trên 7 điểm".

*TP.HCM: đề sử hơi dàI: Tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hầu hết các bạn đều tươi cười vì đã kết thúc các môn khối C và kết thúc luôn kỳ thi năm nay (những thí sinh này không dự thi môn Sinh học).

Đề thi Lịch sử năm nay gồm bốn phần, đặc biệt có câu liên hệ thực tế thế hệ trẻ hiện nay với các nhân tố làm nên chiến thắng kháng chiến chống Pháp. Bạn Lê Thị Hoài Thu (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) nhận định, do em thi khối C nên đề thi này tương đối vừa sức.

Cũng có phần câu lý thuyết dành cho thí sinh dự thi xét tốt nghiệp, cũng có phần cần phải dùng kiến thức tổng hợp, vận dụng sâu chuỗi sự kiện lịch sử, và đặc biệt là rút ra bài học kinh nghiệm để vận dụng cho giới trẻ ngày hôm nay.

Tuy là đề hơi dài, nhưng cơ bản có sự phân loại thí sinh để xét tuyển sinh đại học. Các thí sinh khác cũng đồng ý kiến, đề thi hơi dài, nhưng nhìn chung phù hợp với kỳ thi “hai trong một” khi vẫn có câu dễ, câu khó.

* Thí sinh Kiên Giang nhăn mặt vì đề quá khó; Sáng ngày 4-7, tại tỉnh Kiên Giang chỉ có 785 thí sinh lựa chọn thi môn lịch sử, ít nhất trong tất cả các môn. Trong đó, điểm thi tại trường THPT Phú Quốc chỉ có 7 thí sinh.

Ghi nhận tại điểm thi trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá) nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với vẻ mặt nhăn nhó.

Thí sinh Tống Phước Vĩnh - học sinh Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Kiên Giang - cho biết đề lịch sử năm nay rất khó làm vì đề mở rộng nâng cao ngoài sức của học sinh trung bình. “Nếu học thuộc bài thì chỉ lấy được 3 điểm phần lịch sử thế giới, còn muốn lấy 5 điểm phải vừa thuộc bài, vừa áp dụng được bài học” - em Vĩnh nói.

Thí sinh Nguyễn Minh Phúc - học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Rạch Giá) chỉ biết lắc đầu: “Đề lịch sử dài và khó làm, kiến thức ít tập trung vào phần học thuộc, phải tư duy, phân tích thì mới làm được bài”.

Có mặt từ rất sớm tại cổng trường thi, cô Võ Hồng Phương  - giáo viên Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Rạch Giá) - nhận định đề sử năm nay khó, đánh đố học sinh. Phần lịch sử thế giới ổn, nhưng phần lịch sử Việt Nam đòi hỏi học sinh phải tư duy logic, đọc thật kỹ đề thì mới làm được bài.

Theo cô Phương, đề lịch sử năm nay ra không bám vào đề minh họa của Bộ Giáo dục và đào tạo, với đề này học sinh trung bình chỉ làm được 3 điểm.

* Đà Nẵng: Vừa sức! Ghi nhận tại một số điểm thi như Trường CĐ Công nghệ, THPT Trần Phú các thí sinh đã ra khỏi phòng thi chỉ sau 2/3 thời gian làm bài thi.

Nhóm thí sinh đầu tiên rời khỏi trường thi ở môn thi lịch sử tại HĐT THPT Trần Phú, Đà Nẵng - Ảnh: Phan Thành

Nhiều thí sinh ra sớm với khuôn mặt hớn hở, và cho rằng, đề thi môn lịch sử năm nay không khó mà vừa sức, thời gian 180 phút làm bài là khá thoải mái.

Thí sinh Bờ Nướch Đức (dân tộc Cơ Tu, Quảng Nam), dự thi tại hội đồng thi THPT Trần Phú cho biết, chỉ cần bám sát nội dung sách giáo khoa phổ thông, đặc biệt là chương trình học lớp 12 thật kĩ thì hầu hết có thể làm bài đạt điểm trung bình trở lên.

Đức nói: “Ở câu đầu tiên tóm tắt và nói về nguyên nhân của sự phát triển nền kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1952-1973 khá đơn giản. Còn câu hai, kể về những công lao của Nguyễn Ái Quốc với cách mạng Việt Nam em cũng học khá kĩ, và nắm rất chắc nên khi làm bài triển khai nhanh. Chỉ còn câu cuối cùng là em không làm được, dự đoán môn sử được khoảng 6,5 điểm”.

Tương tự, thí sinh Hồ Quốc Nhật cũng nhận xét, đề thi “dễ thở”. Nhật cho biết đã làm hết toàn bộ các câu hỏi trong bài thi. Dễ nhất là ở câu ba, khi trình bày về suy nghĩ một câu trong Bản tuyên ngôn độc lập.

Theo một số thí sinh khác, phần khó nhất nằm ở câu cuối cùng khi nói về hiệp định Giơnevơ chia Việt Nam thành hai quốc gia và lựa chọn nhân tố thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp để phát huy trong bảo vệ Tổ quốc ngày nay. “Ở hai cầu nằm trong câu bốn hơi gai góc, đa số các bạn trong lớp đều cắn bút vì cho rằng khó, đòi hỏi kiến thức sâu, rộng”, một thí sinh cho hay.

Ngay sau khi kết thúc môn lịch sử, nhiều thí sinh cùng phụ huynh Quảng Nam ra Đà Nẵng cũng đã khăn gói về quê.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật