Ai lên Chao Hạ…

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cô gái trẻ bản Chao Hạ đong nghiêng làn xòe đón khách. Một góc thung lũng Mường Lò có đường bê tông rải đến từng chân nếp nhà sàn giữa núi rừng Tây Bắc mang đậm văn hóa kiêu sa đặc biệt của người Thái, tươi tắn trong diện mạo mới - Làng du lịch cộng đồng.
Ai lên Chao Hạ…
Một góc thị xã Nghĩa Lộ ngày nay

Đánh cú alo rất ngắn lúc nửa chiều trên con đường từ thành phố Yên Bái dẫn vào Nghĩa Lộ, mọi thứ cho buổi tối đón khách đã sắp đặt nhanh chóng ở bản Chao Hạ (xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ): mâm rượu giữa nhà sàn có thịt gà đen nhảy ổ, rêu đá suối Thia, hoa ban xào, xôi Mường Lò, bọ xít non, trâu gác bếp, pa pỉnh tộp, cá suối nhồi rau rớn, măng rừng, cô gái Thái mặc áo cỏm rất xinh mời rượu và múa xòe tại chỗ.

Hai “nhạc công” nghiệp dư cõng đàn organ cũng đã đến từ trước. Những chàng trai, cô gái bản Chao Hạ vừa hồn nhiên, vừa thẹn thùng. Họ nói với nhau bằng tiếng Thái, còn buổi tiệc đón khách về bản thì đã nhuốm màu chuyên nghiệp.

“Nào anh, người Thái cũng giống người miền xuôi, đi bằng hai chân thì phải uống hai chén. Vài chén thôi, uống nhiều thì say không tốt” – Lò Thị Nga, cô gái 21 tuổi trưởng nhóm múa xòe kiêm Bí thư chi đoàn Chao Hạ 1 nhẹ nhàng lấn thêm một chén nhỏ mời khách. “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không”, “Trăng Mường Lò”, và đủ cả 6 điệu xòe cổ của người Thái xòe luôn ra sàn gỗ có đệm nhạc dập dìu. Chả ai muốn về dù đêm chạm cuối khuya.

Người Pháp đã chấp nhận phơi áo đầu hàng trả lại bàn đạp quan trọng này cho bộ đội ta trong cuộc đấu súng “xanh chín” năm 1952 để rồi hai năm sau thất thủ tại thung lũng Mường Thanh ở Điện Biên. Hơn 60 năm sau khi cuộc chiến đi qua, Mường Lò vẫn nghèo khi mà thiên nhiên, thổ nhưỡng ban tặng một cánh đồng có lúa thơm đặc thù mà sản lượng từng sánh với những cánh đồng ở tận Thái Bình.

Khách sạn bảy tầng, có con phố lớn rực trắng hoa ban, điện giăng khắp lối, giữ được nhà sàn và cả cánh đồng mướt má‌t x‌anh rì lọt giữa muôn trùng núi cao ngất bao quanh, vậy mà nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn mấy mươi phần trăm.

Con đường nhựa thênh thang xe chạy từ Hà Nội theo Quốc lộ 32 xuyên qua Phú Thọ ngược lên, hay con đường đang mở rộng nâng cấp từ thành phố Yên Bái chạy vào - một tầm nhìn của Chính phủ từ nhiều năm trước đã dự định tiếp sức cho Tây Bắc nói chung và Mường Lò nói riêng để khỏi lỗi nhịp với con tàu kinh tế cả nước. Nhưng chưa đủ.

Thung lũng 17 dân tộc anh em chung sống, gần 30.000 người thì người Thái chiếm đến 90%, lối canh tác làm nông thua người miền xuôi. Kinh tế nông nghiệp là chủ lực nhưng sản phẩm èo uột, bán gì cũng rẻ. Lò Thị Nga ngày đi làm đồng, một mình cáng đáng mấy sào ruộng nhọc nhằn, hóng lên con đường bê tông thấy xe ô tô chạy vào bản Chao Hạ là thấy vui vì tối nay bản có khách, lại đi hát xòe, có 100.000 đồng. Lúc “chạy sô” còn kiếm được nhiều hơn. Nga thấy vui khi xòe Thái không còn là điệu xòe dâng hiến cho không…

Làng du lịch cộng đồng đã nhen nhóm ra đời, và giờ trở thành nguồn lực kinh tế tại chỗ. Nhà chị Hoàng Kim Phượng ở bản Đêu (xã Nghĩa An) mỗi năm đón hàng ngàn khách lưu trú. Khách Tây, khách ta đủ cả. Nhà sàn của chị sạch sẽ, có khu nhà tắm, vệ sinh, giường ngủ xịn như khách sạn, có internet, lại có cả xe đạp cho khách thuê rong ruổi khắp thung lũng, thăm suối Thia, đi Trạm Tấu cách đó cả 30km.

Nhà chị Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ (xã Nghĩa Lợi) mới vào nghề ít lâu đã đón gần 500 khách mỗi năm. Chị cũng kiêm làm “MC” giới thiệu văn hóa Thái cho khách. Này là Thái đen, kia Thái trắng, văn hóa và tiếng nói có gì khác nhau, bản sắc và phong tục người Thái thú vị ra sao… Nhà chị Hà Thị Thanh ở bản Đêu 2 còn vận động chị em theo dệt thổ cẩm thủ công, may khăn Piêu, khăn 7 màu, váy Thái bán cho khách rất được giá - thứ sản phẩm có tâm hồn trong sáng nhất của phụ nữ Thái giờ đã tạo nên thương hiệu dệt thổ cẩm ở xã này.

Còn nhà chị Lò Thị Dựa vừa mới xây nhà sàn bê tông ốp gỗ ở ngay đầu bản đã có khách đến ngay. Làm nhà sàn có cốt bê tông là để không phá rừng, chị Dựa nói thế. Bản Chao Hạ đã có mười nhà làm du lịch cộng đồng. Bên bản Đêu còn có nhiều hơn. Nối kết với các hãng lữ hành lớn tận Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Khách đến đều được nhà “tua” alo về bản trước một đôi ngày. Nhà nào mới dựng nhà sàn làm ăn mô hình này thì được nhà “tua” ưu tiên giành khách đến trước - một kế hoạch tiếp sức bài bản có bàn tay của chính quyền đạo diễn.

Múa xòe của người Thái ở Nghĩa Lộ trở thành nét văn hóa cực kỳ hấp dẫn du khách

Năm ngoái thị xã dành cho xã Nghĩa An gần 1 tỷ đồng trợ giúp người dân nâng cấp nhà sàn đón khách, rồi thì tập huấn du lịch cho người Thái, bây giờ bản nào cũng có đội văn nghệ múa xòe dịch vụ. Tỉnh chỉ đạo về nguồn lực đưa về thị xã hàng trăm tỷ đồng làm đường và các công trình phụ trợ, sở ban ngành vào cuộc hết thảy. Hơn 55.000 lượt khách đến với Mường Lò năm 2014 (gần 5.000 khách nước ngoài), lượng thu lưu trú lên đến 11 tỷ đồng - con số đang vực dậy một sức sống cho một Mường Lò có kinh tế du lịch.

Thu nhập bình quân từ gạo lúa Mường Lò chỉ là 3 triệu đồng/người năm 2004 ở xã Nghĩa An thì nay đã hơn 20 triệu đồng/người - một đột phá rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ Làng du lịch cộng đồng. Mường Lò giờ đã có đến 12 khách sạn và nhà nghỉ lớn nhỏ, gần 300 cửa hàng dịch vụ ăn uống và sản phẩm địa phương dành cho du lịch. Tất cả nhằm đến đời sống ấm no cho người Mường Lò khi chạm đủ tiêu chí năm 2020 là một thị xã du lịch và thương mại tốt nhất vùng Tây Bắc.

Ông Đỗ Quang Minh - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi khi 26 tỷ đồng thu ngân sách năm ngoái đã có nguồn chủ lực. Gạo Mường Lò có chất lượng cao nâng lên 500ha. Dân trồng hoa, trồng dưa, ớt, nuôi lợn rừng, chim bồ câu… đã thành trang trại để có sản phẩm dịch vụ. Thị xã ngẫm và làm du lịch cộng đồng; khuyến khích nhà đầu tư ném tiền vào đồi Pú Lo, Nghĩa Lộ đồi, rừng Nậm Đông, tôn tạo Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ  Chí Minh, Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ, liên kết các “tua”, tuyến du lịch, giữ lấy 6 điệu xòe cổ, lễ hội hoa ban, hội Hạn Khuống…

Bản Chao Hạ - làng du lịch văn hóa Thái ở Mường Lò

Tâm sự của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Phạm Duy Cường, với phóng viên Tiền Phong khi nói về kinh tế du lịch của Mường Lò và của cả tỉnh Yên Bái, rằng, còn nhiều tiềm năng và thách thức lớn. Vùng văn hóa phía đông Hồ Thác Bà, nơi có hồ nhân tạo đẹp nhất miền Bắc và có thủy điện ra đời từ những năm tháng chiến tranh cũng đang cần những bàn tay đầu tư lớn, có bài bản hơn. Điểm đến đền Đông Cuông thờ Mẫu đệ nhị Thượng ngàn ở phía bắc, nơi tập trung những nét văn hóa độc đáo nhất, và thể hiện tính đoàn kết nhất của cộng đồng các dân tộc anh em trong toàn vùng cũng cần hoàn thiện thêm thiết chế và dịch vụ nghỉ dưỡng sau khi có cao tốc Hà Nội – Lào Cai chạy qua khá thuận lợi.

Riêng với Mường Lò, tỉnh đã quyết định san gạt một số xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn về với Mường Lò, điều chỉnh lại địa giới vừa tăng thêm sức mạnh cho Thị xã Anh hùng, cơi nới một vùng du lịch rộng lớn tạo điểm nhấn mạnh hơn phủ sóng toàn vùng phía Tây. Cũng là bài toán giảm nhẹ gánh nặng khó khăn về địa lý cho huyện Văn Chấn, tạo sức tập trung và đoàn kết cho cộng đồng người Thái, người Mông, người Tày có vùng văn hóa đặc thù, đặc biệt là với hương ước của họ mà bền vững về đời sống xã hội, an ninh trật tự, làm kinh tế…

Con đường rộng mười mấy thước ầm ì xe cộ thi công chạy qua trước cửa nhà sàn của Lường Thị Hồng Chung. Bản Chao Hạ đổi khác khi Nhà nước chăm lo, nhưng chị Chung ngấn lên nỗi niềm. Nhà tầng đã mọc lên, con đường này rồi sẽ lại có nhà cao bám theo, không gian Mường Lò vỡ nát thì còn đâu cảnh non xanh của thung lũng nhà sàn, khách du lịch có còn muốn đến? Chỉ mới đây thôi, cái giếng cổ và cây duối cổ đường kính đến 3 người ôm có từ thời đánh giặc Cờ Vàng bị đe dọa san lấp, bản phải họp lại bàn cách giữ lấy. Không gian văn hóa ở bản nhỏ trở thành chuyện không nhỏ khi thị xã đang chuyển mình đi lên từ văn hóa du lịch. Ai lên Chao Hạ bản em/Yêu nhau một chén xòe đêm cõng về…

Tháng 6/2015

Gần hai năm trước, Quyết định phê duyệt Đề án thị xã văn hóa Du lịch đến với Nghĩa Lộ làm niềm vui òa ra. Kinh tế du lịch từ tiềm năng thành chủ lực đã khiến thung lũng nhiều đổi thay. Vòng Đại xòe 2013 huy động hơn hai ngàn người cùng hát múa không chỉ để xác lập ghi tên vào sách “Kỷ lục Việt Nam”, nó khẳng định quyết tâm như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường (nay là Bí thư Tỉnh ủy) khi nói lời kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hướng về Nghĩa Lộ cùng đầu tư, tiếp sức cho người dân Mường Lò từng ngày xây dựng thị xã này trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật